Tham gia câu lạc bộ (CLB) trong trường đại học là lựa chọn của nhiều sinh viên để rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức chuyên môn, vừa mở rộng mối quan hệ, kết nối với nhiều bạn cùng sở thích.
Tuy nhiên, không ít bạn trẻ cho rằng việc ứng tuyển vào các CLB khá khó khăn, phải trải qua nhiều vòng từ nộp hồ sơ, phỏng vấn, thử thách đồng đội, loại trừ rồi mới được chọn, không khác gì đi xin việc làm. Có người cho rằng, phỏng vấn ở CLB còn khó hơn ứng tuyển xin việc. "Dù bạn có chuẩn bị kỹ, học cách trả lời phỏng vấn, xin kinh nghiệm từ người từng trải thì vẫn rớt như thường", một người nhận xét.
Trượt liên tiếp 3 câu lạc bộ
Tham gia CLB từng là ước mơ của M.T.N.H (25 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ khi cô gái trượt một lúc... 3 nơi liên tiếp. H. kể mỗi nơi cô tham gia đều trải qua ít nhất 3 vòng thi: nộp CV, làm bài kiểm tra, tham gia hoạt động nhóm. Mỗi khi đến vòng phỏng vấn, cô gái đều bị đánh rớt.
"Mình được hỏi các câu khá "hóc búa" như: nếu phải loại một người trong nhóm, bạn sẽ loại ai? Nếu không được nhận vào CLB, bạn sẽ làm gì? Ai là người làm việc ít nhất khi các bạn tham gia hoạt động tập thể? Nếu một người trong nhóm được chọn thì bạn nghĩ đó là ai?", H. nhớ lại và cho rằng những câu này làm bản thân khó xử với các ứng viên đang ngồi phỏng vấn chung. Chưa dừng lại, có người còn hỏi cô gái "sao quê ở Hà Nội mà em không nói giọng miền Bắc?".
H. nói đã cố gắng hết sức, chuẩn bị kỹ trước các vòng thi. Mỗi lần nhận tin rớt một CLB, cô gái sẽ xem xét và trau dồi ở cơ hội tiếp theo. Thậm chí H. còn xem YouTube, hỏi kinh nghiệm của anh chị đi trước để trả lời phù hợp, tuy nhiên kết quả vẫn như cũ.
"Rớt 3 CLB cùng lúc làm mình hoài nghi về năng lực của bản thân. Mình tự hỏi rằng thi vào CLB ở trường đại học mà còn không đậu thì khi tốt nghiệp làm sao xin được một công việc tử tế và ổn định?", H. nghĩ.
Còn N.T.K.H, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, kể cũng từng rớt một CLB truyền thông vào năm nhất đại học vì... tỷ lệ chọi quá cao. "Có cả trăm người ứng tuyển nhưng chỉ hơn chục bạn được nhận. Nếu không nổi trội hoặc xuất sắc thì khó vượt qua", H. nói.
Nguyễn An My (24 tuổi), nhân viên truyền thông làm việc tại đường Nguyễn Cơ Thạch, TP.Thủ Đức (TP.HCM), từng ứng tuyển ở các CLB thời học đại học và chứng kiến tình huống loại ứng viên vì lý do "hiền", "nhạt", "không cá tính".
"Mình nghĩ mọi người sẽ nhìn vào phẩm chất, thái độ và tính cách của ứng viên, nếu phù hợp sẽ nhận. Có nơi giám khảo đẩy buổi phỏng vấn lên cao trào, kịch tính và muốn bạn giải quyết, nếu bật khóc hoặc mất bình tĩnh sẽ rớt ngay. Nhưng có chỗ chỉ cần bạn thể hiện nhẹ nhàng là cũng đậu", My nói.
Không tuyển người giỏi, chỉ cần người phù hợp
Câu nói trên là tiêu chí của không ít CLB khi tuyển thành viên mới. Phan Thị Quỳnh Giao, từng là thành viên ban chủ nhiệm một CLB thiện nguyện tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết đánh giá ứng viên qua tinh thần năng nổ, có sự đam mê và nhiệt tình, quan trọng là kỹ năng làm việc nhóm.
"Có những bạn rất giỏi, nhưng thích làm việc độc lập, không lắng nghe góp ý từ người khác thì tụi mình cũng từ chối", Giao nói và thừa nhận đôi khi các CLB thiên về sự cảm tính lúc tuyển thành viên, nếu có ngoại hình, bạn sẽ được một "điểm cộng".
Còn N.H.M.T, thành viên ban chủ nhiệm một CLB tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng do môi trường học tập có khá nhiều nam, nên khi ứng viên là nữ cũng được ưu tiên. Tuy nhiên, T. và ban chủ nhiệm sẽ đánh giá theo "thái độ hơn trình độ", vừa đáp ứng yêu cầu trong các vòng thi, vừa có tinh thần tốt, thể hiện nhiệt huyết thì được chọn.
Nói về những tranh cãi ở vòng phỏng vấn, Quỳnh Giao cho biết các câu hỏi đặt ra sẽ dựa trên tình huống thực tế trong quá trình làm việc nhóm, xem ứng viên giải quyết như thế nào, chứ không muốn làm khó hay thể hiện điều gì với các bạn.
Còn N.H.M.T cho rằng vì CLB hoạt động trong trường đại học, nên ban chủ nhiệm và ứng viên cũng là sinh viên như nhau, chỉ lớn hơn một vài tuổi. "Nếu ban chủ nhiệm chưa có kinh nghiệm thì dễ hỏi những câu không phù hợp, đưa ra đánh giá cảm tính, đôi khi làm tổn thương người khác. Mình nghĩ nên mời những anh chị cựu thành viên CLB đã tốt nghiệp, đi làm có kinh nghiệm về phỏng vấn sẽ khách quan và chất lượng hơn", T. nêu ý kiến.
Dù tiếc nuối khi không được tham gia CLB khi còn trên giảng đường, nhưng M.T.N.H, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn có khoảng thời gian tươi đẹp nhờ tham gia những hoạt động trên lớp. Cô gái hoàn thiện kỹ năng thông qua những khóa học, công việc bán thời gian và quá trình thực tập. Quan trọng nhất là tập trung vào những bài giảng của thầy, cô.
"Mình nghĩ tham gia vào một CLB thời sinh viên sẽ rất vui, nhưng nếu thi tuyển thất bại thì cũng đừng buồn hay hoài nghi về năng lực cá nhân như mình đã trải qua", H. khuyên.
Thạc sĩ Ngô Minh Nghĩa, Trưởng ban Phong trào - Học tập, Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng chia sẻ vẫn còn rất nhiều cơ hội khác để bạn trẻ nâng cao kỹ năng cho bản thân ngoài các CLB.
"Tham gia hoạt động tình nguyện do Đoàn - Hội tổ chức cũng giúp bạn hình thành và phát triển các kỹ năng mềm, mở rộng các mối quan hệ. Hoặc đăng ký tham gia các hoạt động do khoa, trường tổ chức với vai trò là cộng tác viên sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng tổ chức, giải quyết vấn đề", thạc sĩ Nghĩa chia sẻ.
Bình luận (0)