Ở Bàu Trắng, điều đặc biệt hấp dẫn du khách chính là hai hồ nước ngọt rộng mênh mông, không bao giờ cạn, có tên gọi Bàu Ông, bên cạnh Bàu Bà. Danh thắng Bàu Trắng còn có đồi cát Trinh Nữ, được ví như vùng tiểu sa mạc với hình dáng thay đổi theo mùa, mỗi năm thu hút hàng triệu người tham quan.
Chính vì sự đặc biệt của danh thắng này mà Bộ VH-TT-DL đã có quyết định công nhận Bàu Trắng là di tích cấp quốc gia từ năm 2019.
Nhắc lại điều này để thấy rằng, việc bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo thắng cảnh Bàu Trắng có ý nghĩa quan trọng, không đơn thuần chỉ để phát triển du lịch, mà còn có ý nghĩa lưu giữ văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Vậy mà tại sao lại có một công trình kiên cố dám ngang nhiên xâm lấn vào Bàu Ông mà không được ngăn chặn? Bao đời nay, người dân địa phương bảo vệ Bàu Ông, Bàu Bà bằng nhiều cách, trong đó có cách không xây dựng nhà cửa xâm lấn vào hồ nước ngọt độc đáo này. Có chăng chỉ là canh tác nhỏ lẻ, làm nhà tạm để ở chứ không có bất cứ một công trình kiên cố nào. Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã thẳng thừng từ chối nhiều nhà đầu tư muốn xây dựng các công trình kiên cố quanh Bàu Ông, Bàu Bà để khai thác di tích này.
Một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận từng phát biểu, danh thắng Bàu Trắng là cảnh quan độc đáo được thiên nhiên ban tặng, cần phải gìn giữ cho con cháu đời sau, không thể tùy tiện khai thác để làm bất cứ điều gì. Do vậy, việc một khách sạn xây dựng kiên cố, xâm phạm vùng lõi của Di tích cấp quốc gia Bàu Trắng, gây bức xúc dư luận, nhanh chóng được lãnh đạo các cấp ở Bình Thuận, đặc biệt là người dân quan tâm.
Cần phải xem xét trách nhiệm trong vụ việc này và xử lý nghiêm, dứt khoát. Đó cũng là cách chúng ta ứng xử một cách đàng hoàng, nhân văn với di tích quốc gia mà thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận.
Bình luận (0)