Vậy bạn trẻ cần làm gì để không rơi vào những tình huống xấu khi livestream hay giao lưu trên mạng xã hội?
“Mạng là ảo nhưng lời nói là thật”
Mạng xã hội phát triển dẫn đến hình thức livestream, blog của tổ chức hay cá nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Họ dùng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau từ bán hàng cho đến bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên, cũng có những cuộc livestream vạ miệng của một số cá nhân với những quan điểm trái với quy định pháp luật.
Một người mẫu - diễn viên livestream chửi tục từng bị phản ánh trên VTV |
Chụp màn hình |
Gần đây là trường hợp vạ miệng của thanh niên có tên Lương Mỹ Kỳ, nhân vật có tick xanh với hơn 680.000 lượt theo dõi. Nam thanh niên này đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực mất kiểm soát dẫn đến những lời nói không hay về cách xưng hô, làm tổn thương và nói xấu những người khác… Ngay sau đó, Kỳ phải lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình.
Mới đây nhất, Công an TP.HCM ngày 24.3 tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam). Bà Hằng bị tạm giam vì hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.
Tập trung trước cổng biệt thự khi nghe tin Nguyễn Phương Hằng bị bắt |
Cần tiết chế cảm xúc, suy nghĩ và hành động trên mạng xã hội
Trước những vụ việc kể trên, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra một số lưu ý cho bạn trẻ khi dùng mạng xã hội. "Xu hướng bạn trẻ bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội ngày một nhiều. Đó là điểm tích cực của hình thái xã hội mới. Tuy nhiên, khi một mình nói trước cộng đồng, không phải bạn trẻ nào cũng đủ tỉnh táo tiết chế cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình", thạc sĩ Hoàng An lưu ý.
Theo ông Hoàng An, các bạn trẻ tổ chức livestream dễ dẫn đến thói quen “sống ảo” bằng những câu chuyện của mình với cộng đồng. Từ đó, bạn trẻ có nguy cơ bị nghiện livestream trong mọi tình huống, dẫn đến không tự kiềm chế bản thân, dễ bị cuốn theo câu chuyện bên ngoài và phát ngôn dễ lệch chuẩn.
“Có những bạn trẻ nổi tiếng nhờ livestream thường xuyên và điều này mang đến cảm xúc khó tả cho các bạn. Đồng thời cũng có những bạn đưa ra quan điểm trái chiều và trở thành đề tài tranh cãi không đáng... Thậm chí, một bạn trẻ có tâm lý ngôi sao, ảo tưởng sức mạnh, xa rời thực tế, tách bản thân ra khỏi cuộc sống xung quanh”, thạc sĩ An chia sẻ.
Ông An khuyên các bạn trẻ trước khi livestream nên xác định đúng mục đích, nội dung, lời nói mình cần hướng đến, đồng thời nên tỉnh táo, "giữ chân dưới mặt đất" và cần có tri thức để nói chuyện với cộng đồng.
“Điều quan trọng là bạn trẻ phải hiểu rằng mạng xã hội luôn có tính hai mặt, mạng là ảo nhưng những lời nói ra là thật, để lại hậu quả thật. Bạn trẻ nên giữ cái đầu lạnh, trái tim nóng trong mọi hoàn cảnh. Từ đó, giữ bản thân sáng suốt, nên nói, cần nói và giữ lại những thứ không đáng nói. Quan trọng nhất là nói đúng pháp luật”, thạc sĩ An phân tích.
Lên mạng cần nói đúng sự thật
Khi sử dụng mạng xã hội để livestream hoặc bày tỏ quan điểm thì bạn trẻ cần biết và làm những gì để không vi phạm pháp luật? Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát) cho rằng như mọi vấn đề chung của xã hội, mạng xã hội cũng đang vận hành trong khuôn khổ chung của pháp luật. Do đó, bạn trẻ sử dụng mạng xã hội trước hết cần phải nắm và biết luật của nó.
Hình thức livestream hiện nay được giới trẻ hưởng ứng |
Dạ Thảo |
Theo luật sư Phát, để làm đúng luật khi livestream, điều bất di bất dịch đầu tiên trên cõi mạng là “sự thật” và nói phải có căn cứ. "Mọi thứ chúng ta phản ảnh, phải dựa trên sự thật. Trong quá trình phản ánh, bày tỏ quan điểm không nên để cảm xúc bản thân đưa sự việc từ phản ánh sang một chiều hướng khác tiêu cực hơn", ông Phát lưu ý.
Luật sư Phát khuyên bạn trẻ cần phân biệt rõ việc phản ánh, phản biện hoàn toàn khác so với việc chúng ta lợi dụng nó để có những hành vi, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Bởi ranh giới của việc này cũng khá mong manh, nếu bạn trẻ vô tình hay cố ý vượt quá ranh giới ấy, có thể khiến bản thân rơi vào câu chuyện pháp lý.
Cụ thể, nếu bạn trẻ không tôn trọng và đưa tin không đúng sự thật, nó có thể khiến chúng ta rơi vào các dấu hiệu của hành vi vu khống. Bên cạnh đó, bạn trẻ lợi dụng việc phản ánh, phản biện có thể khiến chúng ta rơi vào hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác hoặc lớn hơn là hành vi có yếu tố chống phá Đảng, Nhà nước, theo luật sư Phát.
“Việc phát ngôn trên không gian mạng, nó cũng giống như việc phát ngôn trực tiếp trong đời sống thường ngày. Vì thế, mọi hành vi đưa tin, cung cấp thông tin sai sự thật; hành vi lợi dụng để xúc phạm danh dự nhân phẩm dẫn đến làm nhục người khác đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Phát bày tỏ.
Theo luật sư Phát, trong việc góp phần đấu tranh phòng chống và tố giác tội phạm, cách tốt nhất là bạn trẻ nên làm văn bản gửi kèm tài liệu chứng cứ đến các cơ quan chức năng. Khi nào các cơ quan ấy không kịp thời xử lý, thì chúng ta có thể dùng mạng xã hội để phản ảnh, ông Phát lưu ý.
Hiện nay, luật An minh mạng, Bộ luật Dân sự, luật Hình sự và các văn bản có liên quan đều có các chế tài để xử lý vi phạm trên không gian mạng. Bạn trẻ có thể tìm hiểu để biết thêm những quy định đối với hoạt động livestream trên mạng xã hội.
Bình luận (0)