Lăng kính bạn đọc:

Ứng xử văn minh khi người khác gặp chuyện không may

M.Giao
M.Giao
16/01/2024 06:09 GMT+7

Cần lan tỏa lối ứng xử văn minh khi chứng kiến người khác gặp chuyện không may - đó là mong muốn của nhiều bạn đọc khi bàn luận về vụ hôi của mới đây…

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 14.1, lãnh đạo Công an H.Đakrông (Quảng Trị) cho biết đến 13 giờ cùng ngày, đơn vị cùng chính quyền địa phương đã thu hồi được tổng cộng 108 bao gạo nếp mà người dân địa phương đã lấy đi từ xe tải gặp tai nạn trên QL9. Công tác thu hồi diễn ra từ khuya 13.1 đến ngày 14.1. Tại xã Đakrông (H.Đakrông), chính quyền địa phương phối hợp lực lượng chức năng và các đoàn thể tổ chức 3 điểm họp để tuyên truyền, vận động người dân trả lại số hàng hóa mà họ đã lấy đi. Sau đó, người dân tự nguyện giao nộp 108 bao gạo nếp nói trên.

Theo ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông, người dân nhận ra hành vi của mình là sai trái, nên cùng với việc giao nộp lại, họ nhờ chính quyền địa phương gửi lời xin lỗi đến tài xế và chủ hàng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an H.Đakrông, số gạo nếp vẫn chưa được thu hồi đầy đủ vì ngoài người dân địa phương, còn có một số người đi đường cũng tham gia hôi của khi ngang qua địa điểm xe tải gặp nạn. Với những người này, địa phương rất khó vận động, thu hồi.

Ứng xử văn minh khi người khác gặp chuyện không may- Ảnh 1.

Người dân giao nộp lại gạo nếp

Thanh Lộc

Trước đó, khoảng 20 giờ 30 ngày 13.1, trên QL9 đoạn thuộc địa phận xã Đakrông (H.Đakrông) xảy ra vụ tai nạn giao thông. Ô tô tải biển số 37H-037.22 do lái xe Nguyễn Văn Đông (29 tuổi) điều khiển, trên xe có Bùi Duy Ngọc (25 tuổi, cùng trú xóm 4, xã Quỳnh Minh, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), lưu thông theo hướng Lao Bảo - Đông Hà thì bị tai nạn. Sau vụ tai nạn, anh Ngọc và anh Đông bị mắc kẹt trong cabin xe. Xe tải chở hàng trăm bao gạo nếp, trong đó có nhiều bao tràn ra ngoài do thùng xe bị hỏng.

Phát hiện vụ tai nạn, một số người dân trên địa bàn tìm cách hỗ trợ đưa người mắc kẹt trong cabin ra khỏi xe. Tuy nhiên, nhiều người khác có hành vi hôi của, lấy các bao gạo nếp chở đi.

Không phải của mình, ĐỪNG bao giờ tham !

Đó là nhắc nhở của nhiều bạn đọc (BĐ) khi nói về câu chuyện hôi của. BĐ Trịnh Cường lưu ý: "Không giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn thì đã thấy áy náy, đằng này đi hôi của thì đúng dị quá. Qua bài báo này, nghĩ cần cho nhiều người biết: cái gì không phải do mồ hôi, công sức của mình thì chớ bao giờ nên cầm, nắm, giữ".

Cùng quan điểm, BĐ Linh Vũ Tuấn Mạnh chia sẻ: "Người xưa đã dạy: Miếng ăn là miếng nhục! Cái gì không phải của mình thì đừng bao giờ tham...". BĐ HVD góp ý: "Cái gì không phải của mình thì mãi mãi không phải là của mình. Người ta gặp nạn không giúp, đằng này lại đi vơ vét đồ của người ta làm của riêng, thật không chấp nhận được!".

BĐ Thành Phạm thì nhận xét: "Hôi của trên nỗi đau thương của người bị nạn thì tàn nhẫn lắm, xấu lắm...". BĐ Cao Đức Thiện cũng cho rằng: "Một số người hôi của mà làm nhiều người bị mang tiếng chung. Của không phải của mình thì không ăn được đâu!".

Người dân trả lại hàng chục bao gạo sau khi ‘hôi của’ từ xe tải gặp nạn

Trong khi đó, BĐ L.Lối nghiêm khắc hơn khi cho rằng: "Thấy người gặp nạn không giúp mà còn hôi của thì nên xem xét giá trị bao gạo nếp, ai lấy nhiều hơn 2 triệu đồng mà không trả lại, thì đề nghị xem xét xử lý hình sự để làm gương".

"Người dân đã tự nguyện giao nộp lại 108 bao gạo nếp. Như vậy cũng đáng mừng. Mong là còn ai chưa nộp lại, nên nhanh chóng đến nộp. Của không phải của mình, ăn không ngon đâu!", BĐ Hoàng nhắc nhở.

Điều tốt sẽ tiếp nối điều tốt

"Cứ tưởng chuyện hôi của khi người khác gặp nạn, bị mọi người chê trách, lên án… đã là chuyện của quá khứ, nào ngờ giờ lại tái diễn, thật đáng buồn! Ở đây, ngoài chuyện tham lam ra, còn có hiệu ứng xấu khi thấy nhiều người cùng thản nhiên hôi của, nên có người cầm lòng không được cũng nhảy vào. Thật đáng trách! Để không còn chuyện hôi của, ngoài xử nghiêm những người vi phạm, rất cần tăng cường tuyên truyền có hiệu quả hơn về lối sống đẹp, văn minh đến mọi người dân, để mọi người luôn ý thức ứng xử đẹp, văn minh với nhau", BĐ Bac Minh đề nghị.

Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Thành 79 nhấn mạnh: "Nên thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người dân sống nếp sống văn minh". BĐ Hoa Binh góp ý: "Nên tổ chức biểu dương, khen thưởng những gương người tốt việc tốt, những gương sống đẹp… với những phần thưởng xứng đáng. Điều này sẽ góp phần làm lan tỏa hơn nữa những việc làm tốt, con người tốt".

"Tôi thấy báo đài luôn có những bài viết thiết thực về những tấm gương sống đẹp… như Báo Thanh Niên có cuộc thi viết Sống đẹp rất thiết thực và ý nghĩa. Các bài viết này đã chia sẻ về những câu chuyện đầy nhân văn, qua đó, sự yêu thương và những câu chuyện đẹp trong cuộc sống đã được lan tỏa mạnh mẽ. Khi cái đẹp, cái tích cực được lan tỏa mạnh mẽ thì cái xấu, cái tiêu cực sẽ bị đẩy lùi và không còn nữa. Khi bạn làm một điều tốt, không chỉ đơn thuần là thế giới này có thêm một điều tốt, mà điều tốt này sẽ góp phần tạo nên những điều tốt tiếp nối, góp phần đẩy lùi cái xấu, ý nghĩa lắm", BĐ Tien chia sẻ.

Trả lại cho người gặp nạn đi cô bác ơi, mang tiếng xấu quá. Người ta gặp nạn thì nên giúp đỡ, sao nỡ lòng nào lại như vậy chứ?

Bàng Hồng

108 bao gạo nếp, may mà đã trả lại...

A Giành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.