Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp Công an Q.Tân Phú khám xét nhiều nơi tại Q.Tân Phú và Q.Bình Tân là trụ sở, nhà kho và nơi ở của Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, ngụ Đồng Nai), nghi can cầm đầu đường dây mạo danh nhân viên ngân hàng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo để chiếm đoạt khoảng 1 tỉ đồng của hơn 600 người ở TP.HCM.
Mỗi ngày nhóm của Nguyễn Hoàng Thạch (trái) gọi điện đến 50 - 70 người, 2 người trong số đó sập bẫy |
Thanh Tuyền |
Thạch khai nhận sử dụng CCCD của người khác để thuê nhà và sắp xếp cho 82 nhân viên gọi điện theo danh sách được cấp, xưng là nhân viên của ngân hàng chào mời vay từ 20 - 100 triệu đồng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lãi suất 0%, nhưng phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng, tùy số tiền vay.
Khi khách hàng đồng ý vay, nhóm này lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ cho vay của ngân hàng. Sau đó, nhóm Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm thẻ ngân hàng giả cho khách; thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay. Khi khách nhận được hồ sơ giả sẽ tin tưởng trả phí bảo hiểm tiền vay cho nhân viên bưu điện và Thạch sẽ liên hệ nhân viên bưu điện lấy tiền mặt rồi chiếm đoạt.
Các nghi phạm trong đường dây này khai nhận mỗi ngày thực hiện từ 50 - 70 cuộc gọi lừa đảo người dân trong danh sách được Thạch giao cho; trung bình mỗi ngày có 2 khách hàng sập bẫy. Ngoài tiền lương nhận của Thạch hằng tháng, các nhân viên còn được thưởng theo doanh số từ 100.000 - 130.000 đồng/đơn hàng.
Tỉnh táo trước số điện thoại lạ
Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ vui mừng trước thông tin đường dây lừa đảo này bị công an triệt phá. BĐ Vu Hong Hoa cho biết mình từng bị chào mời vay tiền dạng này: “Tôi từng nhận cuộc gọi dụ cho vay không lãi suất. Không biết họ có số điện thoại từ đâu, làm sao họ biết mình có nhu cầu vay tiền hay chỉ gọi được chăng hay chớ. Tôi từ chối, cúp máy ngay nhưng vẫn thắc mắc nếu có ai đó cần vay tiền thật thì có mắc bẫy những kẻ này không. Không biết cuộc gọi mà tôi nhận được có phải từ nhóm này không nhưng dù sao cũng rất mừng khi công an đã triệt phá được”.
Tương tự, BĐ luckyfc chia sẻ: “Tôi rất nghi ngờ những cuộc gọi từ số lạ, không nhận tiền từ trên trời rơi xuống. Nhưng những người đang gặp cảnh khó khăn cần tiền thì sao. Rồi biết đâu người thân, người quen của mình có thể mất cảnh giác mà bị mắc lừa”.
“Được chào mời vay từ 20 - 100 triệu đồng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lãi suất 0%. Nếu đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng tùy số tiền. Đã không có tiền phải đi vay nóng mà còn đóng phí thì sao mà tin được?”, BĐ Phuong Binh đặt nghi vấn về hành vi cho vay tiền không lấy lãi nhưng bắt phải trả phí.
Cùng quan điểm, BĐ Luong Tam cảnh giác: “Trên đời này đâu có ai cho không ai cái gì. Làm gì có chuyện người không thân quen cho vay tiền mà không lấy lãi. Lãi suất chỉ 0% thì băng nhóm này sống bằng gì để có tiền cho vay. Mong mọi người tỉnh táo tìm chỗ đàng hoàng mà vay. Đừng tiếp tay cho kẻ xấu”.
Cần giải pháp bền vững
BĐ cho rằng đây là đường dây lừa đảo cho vay có tổ chức, nên phải điều tra, triệt phá tận gốc: “Có gần 100 nhân viên suốt ngày gọi điện thoại khắp nơi để lừa đảo thì không phải làm ăn nhỏ lẻ. Thuê nhà, thuê kho, mua sắm thiết bị, lên kịch bản dụ người khác vô tròng. Lừa được càng nhiều người thì nhân viên càng có thêm hoa hồng kia mà, sao không tăng cường đi lừa được. Công an cần truy tận nơi để diệt cả những mầm mống sau này nữa”, BĐ duckdark nhìn nhận.
Đồng tình, BĐ hoanguc nêu: “Đây rõ ràng là tội phạm có tổ chức, mỗi ngày thu vài triệu đồng nhưng nhiều ngày thì biết bao nhiêu mà kể. Cần xử phạt nặng để không chỉ nhóm này biết sợ không tái phạm, mà những nhóm khác không tiếp tục mọc ra lừa đảo người nghèo nữa”.
BĐ Phan Thien Van bức xúc: “Chỉ riêng ở TP.HCM mà đã có 600 người bị băng nhóm này lừa. Còn nhiều người nữa ở các địa phương khác bị mất tiền mà băng này chưa khai ra hết. Lợi dụng cả dịch vụ thu hộ của bưu điện, người đi vay có khi chỉ tưởng mình bị mất tiền phí chứ không ngờ bị lừa. Cần áp dụng khung hình phạt cao nhất có thể, đem ra xét xử công khai răn đe và giúp người dân biết mà cảnh giác”.
“Đâu chỉ có giả danh ngân hàng, mà còn có những nhóm giả mạo công an, tòa án, bảo hiểm, nhà mạng nữa. Cần có giải pháp bảo đảm để không bị lộ số điện thoại như hiện nay, đồng thời giúp nhận diện cuộc gọi lừa đảo. Thông tin, kiến thức để tránh bị lừa gạt thì mỗi người dân tự trang bị, nhưng biện pháp kỹ thuật thì phải cần đến ngành chức năng”, BĐ tronghuu99 đề xuất.
Theo công an, bọn chúng khai mỗi ngày có khoảng 2 người sập bẫy. Nếu không bắt sớm thì còn bao nhiêu người nữa bị lừa.
Tican
Điều tra xem băng nhóm này lấy danh sách khách hàng từ đâu? Từ đâu mà chúng có thông tin cá nhân, số điện thoại... của hàng ngàn người?
Tay
Cuối cùng cũng bắt được kẻ cầm đầu lừa gạt này. Mong công an điều tra mở rộng, bắt hết những kẻ tiếp tay, trừng trị thích đáng theo pháp luật để làm gương cho những người khác.
Bình luận (0)