Ứng xử văn minh trong học đường: Điều đầu tiên là tôn trọng lẫn nhau

Thái Hoàng
Giáo viên tại TP.HCM
09/12/2023 17:42 GMT+7

Ứng xử nhân văn là điều rất quan trọng đối với bất kỳ người nào, ở đâu, làm việc gì, hoàn cảnh nào… Điều đó có nghĩa là, ứng xử nhân văn không phân biệt độ tuổi, trình độ, công việc, giới tính.

Thầy cô mong muốn học trò ứng xử như thế nào? - Ảnh 1.

Vụ việc học trò tấn công, xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang gây chấn động

CHỤP MÀN HÌNH

Văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục càng quan trọng. Cách ứng xử nhân văn nơi trường học càng thể hiện nét đẹp "tiên học lễ". Thế nhưng, thời gian qua, một số điều chưa đẹp, thậm chí là xấu xí đã xảy ra ở môi trường giáo dục, nhất là bạo lực học đường.

Bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, phụ huynh với giáo viên, giáo viên với giáo viên gây ảnh hưởng xấu đối với ngành giáo dục. Nhiều vụ bạo lực xấu xí, đau lòng đã xảy ra. Và vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang, khi học sinh lớp 7 có hành động ném dép vào đầu giáo viên, dùng lời lẽ, hành động xúc phạm giáo viên là điều không tưởng.

Bức xúc. Buồn. Đó là tâm trạng mà chúng tôi không thể tránh khỏi trong những ngày qua. Trước khi viết bài này, tôi đã hỏi ý kiến một số giáo viên và học sinh về văn hóa ứng xử thầy-trò trong thực tế mà họ trăn trở. Một nữ giáo viên gắn bó với sự nghiệp giáo dục gần 30 năm, từng công tác ở trường công, trường tư ở tỉnh và TP.HCM cảm thán những vụ việc trò tấn công thầy cô, nhất là vụ ở Tuyên Quang khiến cô ám ảnh. 

Từng là giáo viên dạy bộ môn, giám thị, quản nhiệm đối diện rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, cô cho biết cách ứng xử của học trò với nữ giáo viên trong trường hợp này không thể chấp nhận được.

Với góc nhìn của học trò tôi, nhiều em đã bày tỏ bức xúc trước hành động xấu xí của học sinh vô lễ với giáo viên. Một học trò lớp 12 nói với tôi: "Dù thầy cô có hành động không đúng chuẩn mực như thế nào thì học sinh cũng không nên có hành động khiếm nhã, thay vào đó, học sinh có những cách giải quyết đúng mực, chẳng hạn như báo cho nhà trường". Một học trò khác tâm sự: "Việc xúc phạm giáo viên bằng lời nói và bằng cả hành động cho thấy thất bại trong việc giáo dục con cái của phụ huynh, để con mình hỗn hào như vậy".

Thầy cô mong muốn học trò ứng xử như thế nào? - Ảnh 2.

Ứng xử văn minh, nghĩa tình trong môi trường dạy học, bất cứ thời đại nào, điều này vô cùng quan trọng

ẢNH MINH HỌA TNO

Một nam sinh lớp 12 bày tỏ mong muốn rằng giữa học sinh và giáo viên phải có mối quan hệ tôn trọng, thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau trong môi trường giáo dục. Đặc biệt không nên áp đặt hay tư thù cá nhân. Trường học cũng như một xã hội thu nhỏ, nơi mà mọi người cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, nghĩa tình. Thầy trò luôn yêu thương và thấu hiểu.

Hay một nữ sinh khác chia sẻ, mọi mối quan hệ đều xuất phát từ sự tôn trọng mới giữ được sự hòa nhã tốt đẹp. Học sinh tôn trọng giáo viên phần lớn là dựa vào sự dạy dỗ và cư xử của phụ huynh đối với giáo viên, vì cách dạy của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đối với nhận thức của trẻ. Và giáo viên cũng như vậy, học trò luôn mong thầy cô vào lớp mang tâm thế vui vẻ, hòa nhã khi bước vào lớp. Giáo viên có thể mang những nỗi buồn bực riêng từ bên ngoài cuộc sống, nhưng học trò mong mỗi thầy cô để những nỗi buồn ấy ngoài khung cửa, để vào lớp với một tâm trạng tốt nhất, để không khí lớp học không căng thẳng.

Tôi luôn nghĩ rằng thầy cô ứng xử văn minh sẽ không bao giờ được dùng lời lẽ xúc phạm học trò, bởi những lời lẽ ấy sẽ gây tổn hại tâm lý các em. Và chính các học trò phải biết tôn sư trọng đạo. Trong môi trường giáo dục, để tình thầy trò trở nên tốt đẹp, điều đầu tiên là sự tôn trọng lẫn nhau. Điều tiếp theo, nhà trường, thầy cô và gia đình phải cùng phối hợp để dạy dỗ mỗi học sinh. Tránh dùng bạo lực, vì khi dùng bạo lực nghĩa là ta đã thua người khác.

Ứng xử văn minh, nghĩa tình trong môi trường dạy học, bất cứ thời đại nào, điều này vô cùng quan trọng. "Tiên học lễ" là điều trước nhất và quan trọng nhất. Tiên học lễ không chỉ ở trường học mà cũng rất cần lắm ở trường học gia đình. Và ứng xử nhân văn trong trường học cần lắm ở người lớn chúng ta. Cha mẹ cần là tấm gương "tiên học lễ" cho con em mình. Và với thầy cô, thực hiện tiên học lễ, hậu học văn hãy là "Người thầy giỏi không chỉ dạy học sinh bằng kiến thức, bằng những câu chữ có sẵn mà phải dạy bằng cả tâm hồn mình".

Báo Thanh Niên mở diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường" 

Trước hành vi ứng xử gây xôn xao dư luận của học sinh và cô giáo tại lớp 7C Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Thanh Niên Online mở diễn đàn: "Ứng xử văn minh trong học đường" với mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh có cách ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường học đường hiện nay.

Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.