Ứng xử với di sản sở hữu tư nhân

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/08/2018 07:24 GMT+7

Còn nhiều di sản thuộc sở hữu tư nhân, là di sản dòng họ cũng có đời sống thăng trầm.

Di tích của dòng họ ngập dột mà không được sửa, nhà cổ vào danh sách tu bổ mà người ở đó không hề biết, chuyển ra ngoài ở để trùng tu rồi không được quay lại nữa... là những chuyện “đau đầu” quanh việc di sản thuộc sở hữu tư nhân, di sản của dòng họ.
Sống mòn và nguy cơ thành bảo tàng chết
Chuyện ồn ào mới đây, ông Vương Duy Bảo, cháu nội của “vua Mèo” đã gửi thư lên Thủ tướng, mong mỏi được xác nhận lại quyền sở hữu của dòng họ với dinh thự nhà họ Vương. Ông cho biết, từ ngày gia tộc dọn ra ngoài sống tạm để Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) trùng tu dinh thự thì họ không quay trở lại được nữa. “Dòng họ nhà tôi chờ mãi”, ông Bảo nói. Dinh thự “vua Mèo” ở Hà Giang chính là một di sản thuộc sở hữu tư nhân, một di sản của dòng họ.
Từ khiếu nại đó mà ngày 23.8, Sở TN-MT tỉnh Hà Giang đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin H.Đồng Văn (Hà Giang) từ năm 2012.
Cũng còn nhiều di sản thuộc sở hữu tư nhân, là di sản dòng họ cũng có đời sống thăng trầm như vậy. Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Khả Thị (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã có ý định xin trả lại danh hiệu di tích lịch sử văn hóa để còn trùng tu nhà thờ họ. Đây là nơi thờ cụ Nguyễn Khả Trạc, người làm quan đến chức Công bộ thượng thư thời Lê Trung Hưng. Nhà thờ họ này khi đó nền thấp, nhưng đường sá trong khu cứ nâng cao lên mãi, nhà thờ thành “rốn nước”, mà còn là nước thải của cống rãnh. “Điều này không thể chấp nhận được với bất cứ ngôi nhà nào chứ đừng nói là nhà thờ dòng họ, di sản TP”, ông Thị khi đó nói trong xót xa.
Dinh thự của “vua Mèo” bị chuyên gia cảnh báo về nguy cơ thành bảo tàng lạnh lẽo. Ảnh: Lưu Quang Phổ
Trước khi ông Thị muốn trả lại danh hiệu di sản cấp TP, ở làng cổ Đường Lâm (TX.Sơn Tây, Hà Nội), người dân thậm chí còn đòi trả danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt. Họ đã phải loay hoay sống trong những căn nhà chật chội, không có nhà vệ sinh, trong khi gia đình thì con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, tăng số người lên mãi. Vì là di sản thuộc sở hữu tư nhân, nên có căn nhà được đầu tư trùng tu 1 tỉ đồng rồi vẫn một nửa là nhà hoang. Lý do là căn nhà có tranh chấp sở hữu, vì thế một trong hai bên nhất định không cho trùng tu nửa mình đang sở hữu. Cán bộ quản lý cũng không hề biết việc tranh chấp, nên cứ làm thủ tục trùng tu cho nhà dưới tên một trong hai người.
Chính quyền sâu sát thì dân sống tốt
Trong khi đó, theo TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), Hội An là nơi các di sản thuộc sở hữu tư nhân được quản lý rất tốt. Người dân và chính quyền đã rất “thân thiết” trong việc gắn kết, hỗ trợ nhau để bảo tồn di sản. “Ở Hội An, sửa nhà thì người dân 40%, nhà nước 60%. Có gì đâu, người ta giúp dân làm. Hội An là trường hợp tốt - điển - hình”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, cái hay ở Hội An là bên cạnh những ngôi nhà cổ còn là phong tục tập quán ở phố cổ. “Nhà cổ nhất ở phố cổ Hội An là 300 năm, những nhà khác khoảng 200 năm, có nhà 100 năm. Nhưng cái hay là từ người dân ở đấy. Phong tục tập quán, đặc thù địa phương của họ tạo nên phố cổ”, ông nói. Có lẽ chính vì vậy nên ở Hội An chính quyền khuyến khích các hoạt động văn hóa đậm chất địa phương. Chẳng hạn, có những lớp học hát dân ca tổ chức trong phố cổ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, từ năm 1999 đến nay, TP chi 139 tỉ đồng để tu bổ 153 lượt di tích sở hữu nhà nước và 225 trường hợp thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Chưa kể, hằng năm có khoảng 200 lượt di tích nhà ở được cấp phép sửa chữa tu bổ. Đặc biệt, dự án tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ từ 2005 đến nay đã giúp Hội An thoát khỏi tình trạng khẩn cấp này.
Chính quyền phải linh hoạt và gần dân hơn. Nếu để họ sống khổ sở trong di tích thì chúng ta nhẫn tâm và máy móc quá
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Trong khi câu chuyện Hội An “ấm áp” như vậy, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, lại cho biết: “Nếu gia đình ở đấy thì sẽ làm di tích “sống” hơn. Khi tôi lên dinh thự nhà họ Vương, tôi thấy khi di tích không có người ở nên lạnh lẽo, dột nát. Ở các ngôi nhà mô phỏng trong Bảo tàng Dân tộc học, chúng tôi luôn luôn phải bố trí người, thậm chí bếp phải có lửa, có thế mới là ngôi nhà sống, mới ấm cúng được. Nếu không để dòng họ sống và chăm sóc di tích thì cũng phải thuê người vào đó ở và chăm sóc. Mình phải tính hết những điều đó”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, việc để gia đình sống trong di tích sẽ giúp giá trị di tích đầy đủ hơn là chỉ sử dụng vài người của dòng họ để hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, một điều quan trọng nữa là làm sao chuyển tải được thông điệp về di sản tư nhân, di sản dòng họ đó tới cộng đồng. Trường hợp diễn giải về dinh thự họ Vương ở Hà Giang, theo ông Huy, là cũng chưa ổn, do chưa kể được những thông điệp lớn qua câu chuyện của dòng họ này. “Cách thuyết minh diễn giải về dinh thự họ Vương còn phải có thông điệp rõ ràng qua các câu chuyện gia đình dòng họ. Chúng ta phải hỗ trợ họ làm điều đó. Chẳng hạn, qua câu chuyện di tích dòng họ đó để nói về chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch. Hoặc có thể nói câu chuyện văn hóa của người Mông, rằng từ thời đấy người Mông đã có cách tiếp cận rất hội nhập quốc tế. Có nhiều câu chuyện để kể chứ không phải là kể chuyện ta thắng địch thua. Những câu chuyện đó phải được kể để tăng sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết lẫn nhau giữa các dân tộc”, ông Huy nói.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, cái nhìn với các di tích thuộc sở hữu tư nhân, dòng họ cần linh hoạt hơn, nhân văn hơn. “Chính quyền phải linh hoạt và gần dân hơn. Nếu để họ sống khổ sở trong di tích thì chúng ta nhẫn tâm và máy móc quá”, ông Ánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.