Ứng xử với láng giềng

07/05/2017 06:29 GMT+7

Năm ngoái tôi có đến H.Bình Chánh (TP.HCM) dự đám tang con trai của thầy giáo dạy môn toán trước năm 1975. Ngẫu nhiên nhà hàng xóm sát vách cũng có bà cụ vừa qua đời. Hai đám tang diễn ra cùng lúc và đều lặng lẽ trầm buồn, không tiếng kèn tiếng trống.
Chuyện đám tang không ồn ào náo nhiệt như vừa nêu chưa phải cá biệt. Mới hồi đầu tháng 5 này, tôi đi dự đám tang của đồng đội TNXP (nguyên là bác sĩ) nhà ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Vợ của anh cũng là cựu TNXP, từng là giám đốc một sở tại TP.HCM. Tuy đám tang đông người đến viếng nhưng tĩnh lặng, không trống không kèn, không phát loa phát nhạc gì cả. Hỏi ra mới biết vì tang chủ không muốn ồn ào, làm phiền hàng xóm.
Có người căn dặn con cháu đừng tổ chức đám tang rình rang, làm đơn giản thôi. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp người quá cố dặn một đàng, con cháu nổi hứng làm một nẻo. Thay vì đám tang đơn giản, lại biến thành phức tạp. Đau đầu nhất là chuyện nhậu và hát. Uống chung rượu tiễn biệt người đã khuất xem ra cũng phải đạo. Nhưng chén tạc chén thù trong lúc “tang gia bối rối” thì lại là câu chuyện khác, mà điều này không phải hiếm. Có nhiều đám tang, khách đến viếng hễ ngồi vào bàn, tức thì mồi và rượu bia có ngay. Người qua đường nếu không nhìn thấy quan tài chắc nghĩ đây là… tiệc mừng thọ vì chẳng thấy ai khóc, chỉ toàn tiếng nói cười vui vẻ và “một hai ba dzô!”.
Theo cái không khí “hội hè” ấy, cao trào của đám tang không phải lúc động quan hay hạ huyệt, mà là “chương trình hát tiễn đưa người quá cố”. Có tang chủ mời một nhóm nhạc đờn ca tài tử đến phục vụ, tân nhạc hay vọng cổ tùy theo sở thích, hát có chừng mực để khỏi làm phiền hàng xóm. Khi chú ý đến lời bài hát trong một đám tang, bạn sẽ biết được người chết là nam hay nữ. Nếu người quá cố là đàn ông, thế nào cũng có người hát bài Tình cha; Còn người nằm trong quan tài là cụ bà, chắc chắn bạn sẽ được nghe các nhạc phẩm đi sâu vào lòng người: Ba nén hương trầm (vọng cổ), Bông hồng cài áo và Lòng mẹ.
Công tâm mà nói, ca sĩ của những nhóm nhạc tài tử phục vụ đám ma hát khá mùi, nức nở, khiến có người rơi lệ. Nhưng đến lượt “đệ tử Lưu Linh” và cả mấy anh chàng pê đê “trình diễn”, thường rất khuya, nghe là sốc nặng. Ai đời đám ma mà lại hát những bài đại loại như: Gặp nhau làm ngơ, Sầu tím thiệp hồng, Lời cuối cho cuộc tình… với một dàn âm thanh mở hết volume. Cả khu phố như bị tra tấn. Đâu chỉ 1, 2 ngày, có khi “chương trình nhạc khủng bố” ấy kéo dài cả tuần lễ, đóng kín hết cửa rồi mà vẫn nghe âm thanh vang vọng ầm ầm, chát chúa. Người lớn khó mà ngủ được, trẻ nhỏ cũng khỏi học bài. Đến khi nghe một anh chàng nào đó cầm micro hồ hởi: “Để giúp vui cho bữa tiệc ngày hôm nay, em xin ca bài… Trả nợ tình xa”, thế là stress luôn. Có hàng xóm chịu không thấu đành di tản, “lánh nạn” nơi khác chờ xong đám tang mới dám quay về.
Nghĩa tử là nghĩa tận, bà con chòm xóm có thể thông cảm cho người đã khuất, nhưng một đám ma ồn ào, náo nhiệt như vậy xem ra chẳng thuận chút nào, thậm chí trở thành nhố nhăng, lố bịch. Văn hóa ứng xử đang là một yêu cầu bức bách và phải được xây dựng thường xuyên trong đời sống cộng đồng, nhất là những thành phố đông dân cư. Nếu phá bỏ những chuẩn mực “đối nhân xử thế” thì những địa phương ấy chẳng xứng đáng là “thành phố văn minh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.