|
Từ chán sang... mê
Hari Won cho biết, tính đến nay, tổng thời gian (không liên tục) cô sống ở VN là khoảng 10 năm. Thế nhưng Hari chỉ học tiếng Việt bài bản hơn 3 năm nay. Hiện chuẩn bị bước vào năm thứ tư, Khoa Việt Nam học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), Hari tự nhận xét: “Nghe điều này có thể người ta sẽ cho là Hari vô duyên, nhưng thực sự Hari học rất giỏi. Lớp có 30 người, Hari nghĩ mình nằm trong top 3”.
Ngược về quá khứ, Hari thừa nhận hồi nhỏ cô không thích học tiếng Việt. “Ở Hàn Quốc, bố tôi bắt đầu dạy tiếng Việt khi tôi lên 6 tuổi. Ở nhà, chúng tôi thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Hàn. Xung quanh không có người Việt, nên tôi càng không biết nói ngôn ngữ này. Mặt khác, cách dạy của bố tôi hung dữ, đầy tính ép buộc khiến tôi khóc suốt và rất chán học”, Hari nhớ lại.
Trong lần đầu trở về quê cha lúc 10 tuổi, Hari bắt đầu ham học tiếng Việt nhờ những trò chơi và những lần giao tiếp với mấy đứa bạn hàng xóm. Sau này, có dịp quay lại VN, Hari làm thông dịch viên cho một công ty. Cô thành thật: “Nhiều khi họ nói cái gì mình không hiểu hết và muốn thông dịch câu gì đó mình cũng không nói được. Những lúc ấy, Hari rất bực bội và thất vọng về bản thân, vì mình nhận tiền của người ta mà không làm được. Chính vì thế, lúc 25 tuổi, Hari quyết định bỏ công việc để thi và học tiếng Việt chính quy ở trường đại học”. Cô gái này so sánh: “Hồi nhỏ, Hari bị ép nên học không vô. Còn bây giờ, Hari rất mê học vì đó là sở thích, là động lực thôi thúc từ bên trong”.
Đề cập đến tình trạng nhiều sinh viên đang theo học những ngành nghề không phù hợp, Hari góp ý: “Tại sao các bạn không lên tiếng với bố mẹ là tính cách con không hợp với ngành học đó? Dù gì, tốt nghiệp THPT là đã trở thành người lớn rồi, phải biết khéo léo thuyết phục bố mẹ để chọn đúng ngành nghề mình yêu thích. Còn hơn là cứ dạ vâng, để rồi bị buộc học những gì mình không muốn, dẫn đến nhiều hậu quả tệ hại”.
Muốn làm “cầu nối”
Theo kế hoạch, gần 1 năm nữa Hari sẽ ra trường. Cô cho hay, nếu có điều kiện, cô sẽ tiếp tục học thêm mảng kinh tế, luật pháp VN. Bên cạnh đó, Hari mong muốn trong năm nay sẽ ra album ca nhạc. Cô cũng ao ước được thử thách làm diễn viên, nhất là những vai du học sinh hoặc người nước ngoài sống tại VN.
Đặc biệt, Hari Won khẳng định, mục đích cuối cùng của cô chính là hỗ trợ các bạn trẻ sống trong những gia đình đa quốc gia. “Bản thân Hari là con lai, có bố Việt - mẹ Hàn, nên đã nếm trải và hiểu được những bất đồng xảy ra do phong tục văn hóa các nước khác nhau. Hari muốn làm cầu nối để tham gia giải quyết những vấn đề xung đột, hiểu lầm như vậy”.
Chợt nhớ điều gì quan trọng, Hari bổ sung: “Hồi nhỏ, mình rất ham học nhưng gia đình không có tiền để đóng học phí. May mà có một người giúp đỡ mình cả năm trời, nên Hari mới tiếp tục được đi học. Đến bây giờ mình vẫn rất biết ơn cô đó. Vì thế, Hari quyết định không bao lâu nữa sẽ trở thành một người như cô ấy”.
Bộc trực, dí dỏm, nhưng trong mỗi hành động, lời nói luôn ẩn chứa tính quyết liệt, cô gái mang hai dòng máu Việt - Hàn này thể hiện quan điểm sống của mình: “Khi Hari muốn làm gì đó mà có sự cản trở, thì mình sẽ phá nó và vượt qua. Nhờ vậy, Hari luôn sống một cách tiến bộ và rất dũng cảm”.
“Đừng nên bỏ hết để theo thần tượng” Hari Won từng là thành viên của nhóm nhạc Kiss ở Hàn Quốc. Tại VN, nhiều khán giả bắt đầu biết đến Hari khi cô cùng rapper Đinh Tiến Đạt tham gia những chương trình như Cuộc đua kỳ thú 2013, Ăn tết Việt... Cô cũng đã cho ra mắt đĩa đơn đầu tiên bằng tiếng Việt mang tên Hoa Tuyết. Chia sẻ về vấn đề thần tượng, Hari Won nói: “Bạn trẻ có thần tượng cũng tốt, không sao hết. Tuy nhiên, bạn cần ra điều kiện: Mình phải làm nhiệm vụ của mình đầy đủ, sau đó mới đến chuyện thần tượng. Chứ mình bỏ hết công việc, bỏ gia đình và chỉ biết mê, đi theo thần tượng thôi thì cái đó không nên”. |
Như Lịch
>> Hot girl Hari Won: 'Ngẩn tò te' với nét lạ của Tết Việt
>> Ước mơ của chàng trai tàn tật
>> Ước mơ của cô gái khiếm thị
>> Thắp sáng ước mơ cho trẻ em
>> Thí sinh tí hon ước mơ trở thành lập trình viên
Bình luận (0)