Ước mơ đầu năm: Việt Nam bớt rác!

05/01/2015 06:08 GMT+7

Năm mới thiên hạ thường hào phóng chúc nhau đủ lời tốt đẹp. Hiếm thấy những lời chúc thực tế, bởi ít ai dè xẻn lời chúc vào đầu năm bao giờ. Có lẽ vì đại ngôn nên lời chúc năm nào cũng na ná nhau, chỉ khác là cách dùng từ và diễn đạt.

Năm mới thiên hạ thường hào phóng chúc nhau đủ lời tốt đẹp. Hiếm thấy những lời chúc thực tế, bởi ít ai dè xẻn lời chúc vào đầu năm bao giờ. Có lẽ vì đại ngôn nên lời chúc năm nào cũng na ná nhau, chỉ khác là cách dùng từ và diễn đạt. Sao không thay đổi cách chúc nhau để niềm vui có thể cầm nắm trong tầm tay chứ không phải chỉ để vui miệng, tự sướng chốc lát?

Gốc cây trở thành nơi vứt rác - Ảnh: Diệp Đức Minh
Gốc cây trở thành nơi vứt rác - Ảnh: Diệp Đức Minh
Từ lâu, không ít người chán ngấy những cuộc tụ tập đông người ở Việt Nam, nhất là dịp lễ hội và giao thừa. Bởi nhiều người dù ăn mặc đẹp đẽ lịch sự nhưng lại hành xử ngược lại. Nhiều người khẳng định “Người Việt có mặt ở đâu, rác rưởi tràn ngập tới đó”. Nghe mà xót xa và xấu hổ. Chẳng đâu xa xôi, sau khi đám rông reo mừng đón giao thừa năm mới 2015 rút đi là đường phố ngập ngụa rác, còn hơn cả bãi chiến trường. Điều đáng buồn hơn là mọi người cứ thản nhiên ra về, hình như chẳng mấy ai áy náy? Lỗi này trước hết thuộc về ban tổ chức. Chính họ cũng không hề có ý thức, bởi trong kế hoạch không thấy đề cập, nói chi đến biện pháp cụ thể để giữ vệ sinh mội trường và đường phố. Sau đó là sự vô tâm đến kinh ngạc của đám đông. Lâu dần, lậm thành “văn hóa rác” kiểu Việt Nam.
Ở Việt Nam, rác có mặt khắp nơi, cứ phát triển sinh sôi, năm sau nhiều hơn năm trước. Dù không có cánh nhưng rác bay lượn khắp chốn, phóng thẳng vào người đi đường hoặc đáp xuống mặt đất trêu ngươi. Từ trên lầu, trên xe; cả ô tô và gắn máy. Từ trong nhà, trên tay, trong miệng và cả chất thải của những người Việt xấu xí. Rác cứ vô tư tung hoành, ngay tại các bảng cấm.  Ngay các bến bãi, các trạm xe buýt, dù cạnh trường đại học, sinh viên thường sử dụng, cũng ngập rác. Thậm chí cả trong lớp học, từ bảng đen cho tới hộc bàn, chỉ cần vài ngày quên dọn dẹp là đầy rác; mặt bàn chi chit chữ viết bậy. Chẳng lẽ rác là thuộc tính văn hóa của người Việt? Không thể, vì rất nhiều người Việt du lịch ra nước ngoài đâu thấy ai xả rác như ở nhà.
Ước mơ của tôi trong năm 2015 là Việt Nam bớt rác. Nếu cộng đồng dân cư, nhất là các bạn trẻ chung tay dọn dẹp rác tại các địa phương thì việc gì mà chẳng xong. Chiến dịch mùa hè xanh năm nay nên tập trung khai tử rác, bắt đầu từ trong lớp học, trong nhà ra ngoài đường, ngoài phố. Chẳng cần đi đâu xa, tốn kém (tốn tiền , kém hiệu quả). Làm quyết liệt, đồng lòng từ trên xuống thì 3 tháng là diện mạo môi trường Việt Nam sẽ khác hẳn. Bên cạnh phải xử lý thật nghiêm các công ty, xí nghiệp, nhà máy… đang góp phần bức tử môi trường. Lễ hội đón giao thừa Xuân Ất Mùi rất cần đánh dấu sự đổi thay của đám đông người Việt. Ban tổ chức cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi, bố trí nhiều thùng rác công cộng. Có thể sử dụng lực lượng tình nguyện viên làm nòng cốt để giữ vệ sinh. MC chương trình thường xuyên nhắc nhở mọi người. Kết thúc lễ, trước khi ra về, mời mọi người chung tay dọn rác nếu có, trả lại nguyên trạng không gian sạch đẹp để đón Xuân.
Ước mơ không quá khó. Nếu thực hiện được, niềm vui tết Việt sẽ nhân gấp bội. Không gì tệ hại bằng việc, các công nhân vệ sinh đã cật lực, hối hả làm đẹp thành phố để kịp đón xuân. Sau gây phút giao thừa thiêng liêng với những màn pháo hoa ấn tượng là các bãi rác khổng lồ. Năm 2015 sẽ bắt đầu bằng sự đổi thay trong văn hóa ứng xử với rác của người Việt, từ lọ lem môi trường thành công chúa lịch lãm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.