Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) báo tin này và khi tiếp các cô chú, chúng tôi chạm đến câu chuyện hào hùng mấy mươi năm sau chiến tranh chưa được nghe kể.
300 người còn lại … 70
Người đầu tiên chúng tôi gặp là chú Nguyễn Tấn Quang (thường gọi "Ba Quang") nay đã trên 80 tuổi, sống cùng con cháu ở P.1, Q.Gò Vấp. Buổi chiều chúng tôi đến, khi bước vô cửa đã thấy chú ngồi chờ. Chân chống nạng, mắt mờ, tay run, chú không sử dụng được điện thoại nữa, nhưng trí nhớ và giọng nói thì vẫn khỏe.
Chú tâm sự: "Anh chị em chúng tôi trở về hậu phương là xa quê hương, không có gia đình, cho nên rất thương nhau. Một người bị thương không phải đau một lần, mà rất nhiều lần. Như tôi nằm viện gần 2 năm, mỗi năm hơn 10 lần, lần nào cũng đại phẫu. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về miền Nam cũng còn mổ. Đến bây giờ vẫn còn đạn trong người. Nhưng mổ sau này bên cạnh có gia đình. Còn hồi xưa chỉ có anh em. Cảnh của gia đình bây giờ như thế nào thì hồi xưa anh em đối với nhau cũng y như vậy. Như ngày mai anh gì mổ, chị gì mổ là buổi chiều hôm trước chúng tôi truyền tin với nhau. Sáng hôm sau ăn uống xong thì tập trung lại chỗ giường bệnh chờ. Khi y bác sĩ tới đưa lên băng ca đẩy đi trước, anh em chúng tôi cùng theo sau. Mà anh em đâu có ai lành lặn. Người cụt tay, người cụt cân. Người đi một gậy, người đi hai gậy. Tới phòng mổ cùng ngồi chờ. Lúc người mổ xong tỉnh dậy thì đều nhìn thấy anh em…".
"Cho nên bây giờ tuổi lớn rồi vẫn muốn gặp lại nhau. Không gặp được số đông thì nhóm nhỏ, để ôn lại…", chú giải thích.
Chú Huỳnh Minh, hiện sinh sống tại Củ Chi (TP.HCM) thì còn khỏe nhiều và nhiệt tình, xông xáo. Trong thư ngỏ gửi Báo Thanh Niên, chú viết: "Chúng tôi là ban liên lạc của anh chị em thương binh ở miền Nam được Đảng đưa ra miền Bắc an dưỡng và học tập trong những năm chiến tranh. Khi đất nước thống nhất thì trở về Nam. Người còn sức khỏe thì tiếp tục công tác cho đến tuổi nghỉ hưu. Người thương tật nặng thì được nhà nước trợ cấp, ưu đãi cho cuộc sống. Số anh chị em thương bệnh binh có khoảng trên 300 người. Lúc mới về có họp lại và bầu ra 5 người trong ban liên lạc. Sau đó đồng chí Lê Hữu Tâm mất, bầu đồng chí Huỳnh Minh thay thế.
Trước đây anh em chúng tôi còn điều kiện, còn sức khỏe nên hằng năm tự giác đóng góp tiền vào quỹ để tổ chức họp mặt. Trong những năm gần đây, phần lớn tuổi già, sức yếu, thương tật tái phát, bệnh hoạn nhiều. Do đó sức đóng góp không còn đủ để họp. Nhưng tâm nguyện của hầu hết anh em muốn được hằng năm tổ chức họp mặt một lần nhằm xem lại ai còn ai mất, vì tất cả anh chị em này đều trên 70 tuổi, nếu còn sống thì sức khỏe và bệnh hoạn ra sao…".
Cuối thư, chú Minh thay mặt ban liên lạc bày tỏ mong muốn được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí là một bữa cơm trưa cho khoảng 70 người họp mặt lần này tại TP.Bến Tre.
Những người phụ nữ kiên cường
Bệnh viện H.Củ Chi (TP.HCM) nằm trên tỉnh lộ 7, cách trung tâm TP.HCM hơn 40 km. Theo số điện thoại và họ tên chú Ba Quang cung cấp, chúng tôi tìm gặp bệnh nhân Bùi Thị Hồng, đang điều trị ở Khoa Nội.
Cô Hồng là thương binh loại 2, chồng cô là Nguyễn Xuân Nấm, thương binh loại 1, cả hai đều cụt chân cao. Chú Nấm hiện bệnh tắc nghẽn phế quản, được điều trị tại nhà. Cô Hồng bị bệnh tim mạch và xương khớp. Cô chú sinh được 3 người con, 1 trai 2 gái. Hôm mùng 5 Tết Quý mão 2023, người con trai đầu của cô chú là Nguyễn Chí Công bị đột quỵ và mất ở tuổi 44, để lại con thơ. "Nó hiền lắm, bạn bè nó cũng tốt. Đi mổ mắt, đi bệnh viện da liễu, bệnh viện nào ở dưới thành phố hay gần đây, cũng nó không, nó chở đi. Giờ nó chết rồi coi như cụt chân", cô Hồng nghẹn ngào.
Người con gái thứ hai lập gia đình và gia cảnh khó khăn nên hiện tại chỉ còn con gái út chăm lo cô Hồng và chú Nấm. Hôm chúng tôi đến, cô Hồng gọi điện về nhà nhưng con gái út cũng không có thời gian vì vừa làm việc nhà, vừa chăm con nhỏ, vừa lo cơm nước cho cha.
Tại Tiền Giang, nếu không được chú Ba Lẹ dẫn đường có lẽ chúng tôi cũng khó tìm được địa chỉ nhà cô Huỳnh Thị Bé Hoàng, thương binh loại 2 tại ấp Trung, xã Long Định, H.Châu Thành. Cô Hoàng cụt chân trái. Chồng cô cũng là thương binh nặng và trước khi mất đã bị bệnh tai biến hành hạ suốt 3 năm. Cô chú sinh được 2 người con trai nhưng một người bị nhiễm chất độc da cam, chỉ nằm một chỗ, ăn uống vệ sinh gì cũng phải có người giúp. Còn người con trai khỏe mạnh, là chỗ dựa cho cô những năm qua thì bất ngờ bị tai nạn cướp mất.
Hôm chúng đến, cô Hoàng mở ra "khoe" một lô thuốc bác sĩ mới kê toa. Sau những năm tháng vừa chăm chồng tai biến vừa chăm con bị bệnh, rồi cái tang đứa con trai khỏe mạnh ập xuống, người đàn bà đeo chân giả này có dấu hiệu kiệt sức. Cô phải vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng, mỗi tháng trả góp 1 triệu, nhưng chỉ mới góp được 2 tháng.
Tại Bến Tre, chúng tôi được chú Tư Mau đưa đến thăm gia đình chú Mười Cảnh và cô Phương. Chú Mười là thương binh mù hai mắt, còn cô Phương thì cụt mất một chân. Trong số những thương binh miền Nam từng được đưa ra miền Bắc mà chúng tôi tiếp xúc lần này, có lẽ chú Mười Cảnh là thiệt thòi nhất vì chú không được nhìn thấy quê hương xứ dừa từng ngày thay đổi, không được nhìn thấy người vợ hiền chống nạng tới lui cơm nước cho chồng và những đồng đội xưa đến thăm...
Ước mơ của người Anh hùng...
Hôm gặp lần đầu ở nhà chú Tư Mau tại P.7, TP.Bến Tre, chúng tôi nhắc tên tập hồi ký của nữ tướng Nguyễn Thị Định, các cô chú có mặt đều nhìn nhận những năm tháng đó không còn đường nào khác con đường vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Hoàn cảnh quá khốc liệt, những người bị thương ở lại vừa không được điều trị đúng, vừa là gánh nặng cho đồng đội. Như chú Ba Lẹ, trong lúc băng bó vết thương ở chân thì quân địch kéo tới, phải rút xuống hầm bí mật và bị nhiễm trùng, hoại tử. Hay trường hợp cô Hồng, bác sĩ phải dùng cưa của xưởng binh khí để cưa chân. Điều kiện y tế thiếu thốn, qua 6 lần mổ đau đớn vết thương vẫn không thể lành. Đến khi ra được miền Bắc, mổ một lần thì khỏi đau tới ngày nay...
Bằng nhiều đường và bằng nhiều cách, các cô chú được tập hợp trên Trường Sơn. Những đoàn xe tải đạn và quân nhu từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam sẽ chở thương binh ra miền Bắc. Hành trình đó ròng rã hơn 3 tháng trời dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù nhưng các cô chú đã vượt qua an toàn và quay trở về miền Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Nhưng đúng như chú Ba Quang lo lắng, tuổi già và bệnh tật ập đến thì không ai biết chuyện gì xảy ra. Bản thân chú, dù thương tật đến 81% nhưng đã mở xưởng cơ khí tại Q.Bình Thạnh, tạo công ăn việc làm và giúp đỡ các trường hợp khó khăn vươn lên trong cuộc sống, là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới nhưng ngay lúc này cũng chỉ mơ ước gặp mặt "anh chị em" xưa.
Bình luận (0)