“Tắt thở” ở dốc hai ngàn tám trăm
Thế hệ người già ở A Lưới lần lượt về với Yàng (trời) hoặc nếu còn sống thì cũng chẳng thạo tiếng Kinh để kể về “con đường muối” từng cắt ngang thung lũng A Lưới, vượt sông A Sáp sang tận Lào. Bởi vậy, tôi may mắn khi được giới thiệu đến gặp già làng Hồ Văn Hạnh (75 tuổi, người Pa Kôh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung), người được mệnh danh là “pho sử sống”, để nghe già kể về con đường huyền thoại này. Lần đầu tiên, tôi được biết từ xa xưa, tại H.A Lưới có một con dốc mang tên rất lạ: Hai Ngàn Tám Trăm.
Thôn Bằng Lãng (xã Thủy Bằng, TP.Huế) nằm trên nhánh Hữu Trạch, ngày xưa là nơi trao đổi buôn bán trên “con đường muối” |
HOÀNG SƠN |
“Mối quan hệ giao thương giữa đồng bằng với người miền cao A Lưới có từ lâu đời. Từ xưa, người Pa Kôh, Pa Hy không có những vật phẩm của đồng bằng như rìu, rựa, cuốc, xẻng, nồi, chén và nhất là hạt muối nên người ta đã chủ động cắt rừng về xuôi để trao đổi. Đó là những chuyến “đi đổi”, hàng lấy hàng vì ngày xưa không có tiền…”, già Hạnh mở đầu câu chuyện. Ngày trước, để có được hạt muối về bản, người ta phải mang theo mật ong rừng, cây mây, zèng (vải thổ cẩm), sừng thú… chất lên những tấm bè rồi len theo các con sông, con suối. Trèo đèo lội suối, vượt không biết bao dốc đứng, người đi nhanh khi về đến khu vực sông gần TP.Huế cũng phải mất 3 ngày 3 đêm ngủ lại giữa rừng. Khi đổi được muối, đoàn đi buôn mới khấp khởi ngược sông trở về.
Già Hồ Văn Hạnh nhận định rằng từ xa xưa, người Pa Kôh đã rất giỏi trong việc giao lưu với người Kinh ở miền xuôi. Họ cũng là những người vừa siêng năng vừa có đầu óc tính toán trong buôn bán. Bởi vậy, khi có được hạt muối, đoàn người đi buôn lại từ thung lũng A Lưới gùi đến những bản làng người Tà Ôi (xưa gọi là Tà Uốt) quần cư trên những ngọn núi đá cao bên dòng A Sáp. Trước năm 1973, người Tà Ôi chủ yếu sinh sống ở khu vực xã Nhâm ngày nay. Nếu người Pa Kôh 1 tháng về xuôi mua muối 1 lần thì với người Tà Ôi có khi cả năm chưa chắc đã thấy được hạt muối. Muối quý hơn vàng là có thật.
“Để đến được Tà Uốt phải vượt qua con dốc dài 2.800 m, cao và dựng như vách. Hiện dốc này nằm sâu ở xã Nhâm. Chưa đi chưa biết thế nào. Đi rồi mới biết “tắt thở” ở dốc Hai Ngàn Tám Trăm”, già Hạnh dí dỏm. Đến nơi, đoàn buôn chỉ việc đổi những gùi muối để lấy nào nào trâu, nào bò… và nhất là đổi lại những tấm zèng cực kỳ đặc sắc, độc đáo mà chỉ người Tà Ôi mới dệt được. Những tay buôn tài ba người Pa Kôh còn gùi muối vượt núi sang tận Lào và thu về rất nhiều vật phẩm giá trị.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tà Ôi Trần Nguyễn Khánh Phong cho biết “con đường muối” còn được gọi là “con đường cồng chiêng”, “con đường mã não”… Bởi, chính thông qua sự giao thương từ con đường này mà những vật dụng đã nói mới xuất hiện ở miền cao A Lưới từ xa xưa. Điều thú vị là, theo ông Phong, dấu tích “con đường muối” đậm nét nhất chính là khu vực ngã ba sông tại khu vực Tuần ngày nay (tại thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, TP.Huế). Đây chính là nơi cộng đồng người thiểu số ở A Lưới trao đổi sản vật núi rừng để lấy mắm, muối do người Kinh từ cửa Thuận An, ngược dòng sông Hương mang lên trên những chuyến đò…
Thôn Nal (xã Lăng, H.Tây Giang) kế tục sự sầm uất “con đường muối” của đồng bào Cơ Tu có từ nhiều đời trước |
Vận hội “hồi sinh”
Nếu ở A Lưới có sự giao lưu, giao thoa trong thương mại giữa miền xuôi với các dân tộc Pa Hy, Pa Kôh, Tà Ôi thì từ xa xưa ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), “con đường muối” là dấu tích cho sự giao lưu buôn bán chủ yếu giữa người Cơ Tu với người miền xuôi. Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Trường Sơn, theo già làng Bhơriu Pố (75 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, H.Tây Giang), từ xa xưa, người Cơ Tu rất quý hạt muối và thứ 2 là kim loại dùng để rèn công cụ lao động. Người nào sở hữu dù chỉ một mẩu sắt để làm dao đi rừng, họ sẽ gìn giữ hơn vàng.
“Những nhà buôn từ khu 7 (4 xã vùng cao) của Tây Giang ngày nay sẽ mang hàng là những tấm tút, mật ong, sừng thú… đi qua Nal (xã Lăng) ngày nay, qua xã Dang, xuống tiếp A Roi, Mà Coih, Cà Dăng đến ngã ba sông Pi Ka Roong (đổ vào sông Vu Gia) để trao đổi hàng hóa với người miền xuôi… Đó chính là “con đường muối” huyền thoại mà anh muốn hỏi”, già Pố nói. Theo già, chính bởi rất trân quý hạt muối vì phải rất khổ sở mới có được nên từ xưa, mặc dù giữa các làng có mâu thuẫn đến mức “nợ đầu người” thì những người đi buôn vẫn luôn được an toàn.
Già Bhơriu Pố |
“Thậm chí, người ta chung tay để thết đãi người đi buôn, mang muối về cho bản làng. Đoàn buôn đến làng nào thì làng đó đãi thức ăn ngon”, già Pố kể.
Theo nhà nghiên cứu Bhơriu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang), trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Cơ Tu vùng cao, vùng trung xuống mua hàng hóa từ đồng bằng cực kỳ vất vả, gùi cõng lương thực ăn dọc đường hàng tháng trời… Hàng hóa mua từ đồng bằng lên họ gùi trên vai đi theo “con đường muối”. Khi về gần tới nhà, họ tổ chức cúng muối, cúng hàng hóa mới về... Các điểm cúng muối này trên đường muối xa xưa vẫn còn dấu tích để lại.
Chờ sự đầu tư cho di tích “con đường muối”
Ông Bhơriu Hùng tỏ ra tiếc nuối vì nguồn lực khó khăn nên công tác phát huy giá trị “con đường muối” vẫn chưa được đầu tư. Mặc dù, Phòng đã xây dựng một đề án phát triển văn hóa và du lịch giai đoạn 2020 - 2025 với kinh phí hơn 90 tỉ đồng nhưng đến nay, sau 3 lần trình lên cấp trên vẫn chưa có kết quả. “Nếu được HĐND H.Tây Giang thông qua vào dịp cuối năm nay, đề án sẽ có ý nghĩa rất to lớn trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, trong đó di tích “con đường muối” cũng sẽ được quan tâm thích đáng”, ông Hùng kỳ vọng.
Theo ông Liếc, “con đường muối” là tuyến đường xuyên suốt từ cảng thị Hội An, đi theo 2 hướng. Một, theo đường thủy sông Thu Bồn, Vu Gia chở đến tận bến Hội Khách (ở xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc), mua hàng gùi lên miền núi. Hai là, đi theo đường bộ từ Hội An, qua Vĩnh Điện, lên Đại Lộc, Cà Dăng, qua Gợp Tểểr (hang Gợp), lên Axrơờ, lên xã Dang, đi xã Lăng, lên dốc Tr’hy, qua Axan, Ch’ơm qua Lào, Thái Lan, Miến Điện... “Chính nhờ đường muối này, hiện ở Tây Giang còn có chữ cổ khắc trên đá, 5 trống Đông Sơn cổ, nhiều ché, chiêng cổ, hạt mã não... Chắc chắn ông bà gùi, cõng theo “con đường muối” này mà có”, ông Liếc phân tích.
Anh Pơloong Plênh, cán bộ Phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết thêm di sản “con đường muối” để lại ngày nay chính là những ký tự cổ được cho là chữ Phạn trên vách đá ở Achia (xã Lăng). Đó có thể là biểu tượng để nhận diện điểm giao lưu giữa người Lào, Thái Lan, Ấn Độ... “Như hạt mã não, đá quý… không có ở vùng cao Cơ Tu mà do đồng bào đi buôn từ dưới xuôi lên. Những ché in con rồng từ dưới xuôi mang lên trong tâm thức người Cơ Tu là thần. Nhà nhiều ché thì nhiều thần phù hộ”, anh Plênh nói.
Ông Bhơriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, tỏ ra phấn khởi khi thông tin, hiện trạng “con đường muối” dài chừng 20 km bắt đầu từ xã Lăng đến xã Tr’hy có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, như: băng rừng, leo núi, trekking (đi bộ đường dài)... “Khu này có rất nhiều sông suối, thác ghềnh, có thảm thực vật phong phú với nhiều loại dược liệu quý nên có thể phát huy du lịch trong tương lai. Trong đó, với chiều dài con đường mất khoảng 1 ngày đi bộ, tiềm năng nhất là du lịch khám phá thiên nhiên”, ông Hùng nói, sắp tới, huyện sẽ cho cắm mốc và biển giới thiệu di tích này.
Trường Sơn ký sự
Bình luận (0)