Ươm mầm hữu nghị: Người mẹ Việt Nam với hai người con Campuchia

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
09/11/2022 08:15 GMT+7

'Đó là một cô gái gầy gò, thấp bé, sức khỏe có vẻ yếu ớt. Tôi rất xúc động khi cháu gọi tôi bằng “mẹ” và hỏi han đủ điều', bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài (TP.HCM), nói về du học sinh Campuchia do mình nhận đỡ đầu.

“Yêu thương, chia sẻ, dạy dỗ, động viên là điều tôi đã làm cho con ruột của mình và cũng cho hai con đỡ đầu người Campuchia. Các cháu mãi là con của tôi dù ở cách xa”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài (TP.HCM), mở đầu câu chuyện khi nói về hai du học sinh Campuchia do mình nhận đỡ đầu.

Người con gái tên An

Tháng 4.2019, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài (nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), tham gia chuyến viếng thăm nước bạn cùng đoàn văn nghệ sĩ Việt Nam nên có nhiều tình cảm yêu quý đất nước, nhân dân Campuchia. Về nước tham dự chương trình “Ươm mầm hữu nghị” (tháng 5.2019) tại chùa Phổ Minh (TP.HCM), bà Vân nhanh chóng nhận lời làm mẹ đỡ đầu của nữ sinh viên Campuchia tên Ath Sreyneang (sinh năm 1997) khi được giới thiệu. “Đó là một cô gái gầy gò, thấp bé, sức khỏe có vẻ yếu ớt. Tôi rất xúc động khi cháu gọi tôi bằng “mẹ” và hỏi han đủ điều”, bà Vân nhớ lại.

Tấm hình chung của 3 mẹ con Ath Sreyneang, Sopha Chouk và mẹ đỡ đầu Huỳnh Ngọc Vân

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Từng du học nhiều năm ở nước ngoài nên bà Vân rất đồng cảm với tâm trạng của Ath Sreyneang khi đến Việt Nam học tập, như nỗi nhớ gia đình, lo lắng cho việc học hành, sinh hoạt ở xứ người… Quyết tâm giúp Ath Sreyneang nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở TP.HCM, cứ vào cuối tuần, bà Vân đều cử nhân viên xuống đón Ath Sreyneang từ ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM lên Bảo tàng Áo Dài ở TP.Thủ Đức để sinh hoạt. Tại đây, Ath Sreyneang được gặp gỡ nhiều bạn sinh viên tại TP.HCM đến tham quan, học tập và được nhân viên bảo tàng xem như người thân trong gia đình.

“Tôi đặt cho cháu cái tên Việt Nam là An và giải thích ý nghĩa của chữ An cho Ath Sreyneang biết. Cháu rất vui mừng và thích thú. Cháu rất chăm chỉ học hành, tích cực tham gia phong trào của sinh viên Campuchia đang theo học tại TP.HCM. Cháu luôn tâm sự, kể về những khó khăn trong sinh hoạt của mình như một đứa con gái. Tôi cũng thường xuyên khuyên nhủ, động viên, khen ngợi những cố gắng, nỗ lực của cháu trong học tập”, bà Vân chia sẻ.

Cuối năm 2020, An báo tin không thể về nước đón tết do dịch Covid-19. Lúc này, bà Vân đưa An vào làm việc ngắn hạn tại bảo tàng để có chút tiền trang trải cuộc sống, vừa có điều kiện dạy bảo “con gái”, lại vừa giúp Ath Sreyneang đỡ nhớ nhà. “Cháu rất hồn nhiên, vui mừng và chăm chỉ làm việc. Cuối tuần tôi trao tiền lương để nhóm dịch vụ thanh toán cho cháu”, bà Vân tâm sự.

Chàng trai tên Pha

Trong thời gian làm việc tại Bảo tàng Áo Dài, An xin phép dẫn theo một chàng sinh viên Campuchia khác và đến xin mẹ Vân “tuyển dụng” vào làm việc. “Đó là Sopha Chouk, sinh năm 1998. Sau khi được nhận vào làm việc, nhân viên Bảo tàng Áo Dài đã yêu quý và gọi tên “thằng Pha dễ thương”, cũng dành cho cháu những tình cảm chân thành”, bà Vân kể.

Ngoài việc giúp An và Pha kiếm tiền trang trải cuộc sống, bà Vân cũng tạo điều kiện cho cả hai được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, để có điều kiện hiểu thêm nhiều điều tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. Tết Nguyên đán 2021, bà Vân đón An và Pha về nhà. “Pha đã xin được làm con trai đỡ đầu và tôi lập tức đón nhận ngay và cũng hết lòng yêu thương như người con gái đỡ đầu”, bà Vân kể lại trong hạnh phúc.

Bà Huỳnh Ngọc Vân

H.G.

Cũng trong năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 3 mẹ con bà Vân vẫn luôn cố gắng gặp nhau mỗi khi sắp xếp được công việc, trao nhau những tình cảm yêu thương. “Thỉnh thoảng Pha lại ngây thơ hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ thương con nhiều như vậy?”. Tôi bảo: “Vì con ngoan, học giỏi, đẹp trai”. Pha rất xúc động, tự hào... Dù ít sử dụng mạng xã hội, nhưng tôi vẫn cố gắng tương tác, nhắn tin, bình luận trên Facebook, Zalo để các cháu và bạn bè hiểu được mẹ đỡ đầu theo dõi con từng ngày”, bà Vân nhớ lại.

Cũng theo bà Vân, sau quá trình học tập tại Việt Nam, Ath Sreyneang và Sopha Chouk đều được bình chọn là sinh viên Campuchia tiêu biểu ở TP.HCM. Gia đình cả hai ở Campuchia cũng rất xúc động khi biết hai cháu được quan tâm, chăm lo trong lúc dịch bệnh, bằng tấm lòng của mẹ đỡ đầu và tất cả nhân viên Bảo tàng Áo Dài. Khi cả hai chuẩn bị tốt nghiệp về nước, bà Vân đã đặt may cho mỗi đứa con một chiếc áo dài Việt Nam thật đẹp. Cả hai đều thích thú, xúc động và chụp ảnh khoe bạn bè, người thân.

“Ấm áp như một gia đình”

Sau khi về nước (năm 2022), cả hai đều đã có việc làm ổn định. Sopha Chouk làm thiết kế đồ họa cho một tập đoàn lớn tại Campuchia, còn Ath Sreyneang làm việc tại một công ty xây dựng của Việt Nam có trụ sở tại thủ đô Phnom Penh. Ath Sreyneang và mẹ Vân thường xuyên nhắn tin, gọi điện, dõi theo nhau trong cuộc sống.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, Ath Sreyneang cho biết: “Em cảm thấy mình thật may mắn khi được sống trong tình cảm yêu thương từ bạn bè, thầy cô và đặc biệt là mẹ Vân. Những tình cảm, yêu thương đó đã giúp em cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà và như được sống trong vòng tay của gia đình. Dù bận rộn nhưng mẹ Vân không quên hỏi thăm em từ những việc nhỏ nhất”.

Chia sẻ về chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, Ath Sreyneang và Sopha Chouk đều cho rằng đây là một chương trình rất ý nghĩa, giúp người Campuchia và người Việt Nam có thể giao lưu, làm quen, hiểu nhau hơn về phong tục tập quán, văn hóa… Đặc biệt, đây cũng là một chương trình quan trọng đối với sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Ngoài hỗ trợ sinh viên Campuchia, chương trình còn giúp cho tình đoàn kết Việt Nam và Campuchia càng ngày càng bền vững, tốt đẹp mãi mãi.

Ath Sreyneang cũng nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp “Ai ở đâu, ở yên đấy”. Cô xúc động kể lại: “Thời điểm đó em rất buồn, chỉ có thể ở trong phòng ký túc xá, không thể ra ngoài mua đồ hay đi đâu được, rất khó khăn. Mẹ Vân biết và thường xuyên hỏi thăm, rồi gửi đồ cho em. Khi nhận được đồ của mẹ gửi thời điểm khó khăn đó, em rất xúc động, vui mừng. Cảm giác như mẹ Vân là người mẹ ruột của mình luôn quan tâm, lo lắng. Em cũng không biết làm thế nào để trả ơn, chỉ biết nói lời cảm ơn, yêu thương đến mẹ”.

Cũng như Ath Sreyneang, Sopha Chouk cho biết mình thật may mắn khi được làm con của mẹ Vân. Nhớ lại khoảng thời gian học tập tại Việt Nam (ngành thiết kế công nghiệp tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), Sopha Chouk cho biết đã được bạn bè và thầy cô hỗ trợ, quan tâm và yêu thương hết lòng. “Từ khi được mẹ Vân nhận làm con nuôi, hai mẹ con em rất thân thiện với nhau. Lúc đó, em có cảm giác ấm áp như một gia đình. Mẹ Vân đã hỗ trợ em rất nhiều, từ thực phẩm, đồ dùng cá nhân, cho em cơ hội tham gia các hoạt động của bảo tàng, để em phát triển khả năng giao tiếp tiếng Việt và đặc biệt là tình cảm yêu thương như một người mẹ. Em cảm thấy may mắn khi được mẹ Vân nhận làm con nuôi. Không chỉ riêng em mà bố mẹ em ở Campuchia cũng cảm thấy rất vui”, Sopha Chouk chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.