Cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm hơn 25%
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết gần đây số lượng trường hợp cấp cứu mà đơn vị tiếp nhận luôn ở mức cao. Trong đó, các cuộc gọi báo cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm hơn 25%, đặc biệt cao ở những ngày cuối tuần.
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận đến 40% ca tai nạn giao thông do rượu bia mỗi ngày |
ĐẶNG PHƯỢNG |
Đáng chú ý, tai nạn giao thông vốn là các trường hợp khẩn cấp, bất ngờ và bị động do bác sĩ không biết bệnh nhân có mắc bệnh nào trước đó hay không; nhiều trường hợp không có thân nhân, hiện trường phức tạp, nguy cơ cao ảnh hưởng tính mạng. Nghiêm trọng hơn, nếu người bị tai nạn có uống rượu bia trước đó thì việc cứu chữa sẽ lại càng mất thời gian và tình trạng của người bị nạn dễ chuyển biến nặng, bác sĩ Long lưu ý.
Mất nhiều thời gian cấp cứu
Bác sĩ Duy Long cho hay, khi có rượu bia vào, té xe nhẹ có khi cũng trở thành nặng; nhất là các chấn thương cột sống cổ hay chấn thương sọ não, ngoài tiên lượng xấu, nếu cứu chữa được vẫn sẽ để lại di chứng hoặc tàn tật suốt đời.
Thường xuyên tiếp cận hiện trường các vụ tai nạn giao thông, bác sĩ Khuất Hồng Sơn, công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết khi tiếp nhận các ca cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu bia, nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí dễ sai sót trong quá trình sơ cứu.
Cụ thể, khi nạn nhân say xỉn trong trạng thái bất tỉnh, nhân viên y tế khó phân biệt họ bị ngất do rượu bia hay bởi một chấn thương nào đó ở não. Nếu có chấn thương mà không phát hiện kịp, nạn nhân cũng không đủ tỉnh táo để cung cấp thông tin hay cho biết về tình trạng thương tích của cơ thể, bác sĩ có thể bỏ sót. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân hoặc người đi cùng do say xỉn, mất kiểm soát, thiếu bình tĩnh dẫn đến gây sự, xô xát, hành hung nhân viên y tế… Tất cả những điều này càng làm chậm trễ thời gian cứu chữa, đưa đến nguy cơ tử vong rất cao.
Di chứng lâu dài
Bác sĩ Võ Hạnh, công tác tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hiện các ca tai nạn giao thông thường tăng cao vào chiều tối, chiếm từ 15 - 20% tổng số ca cấp cứu mà đơn vị nhận mỗi ngày, trong đó các trường hợp nghi vấn có sử dụng bia rượu chiếm đến gần 40%. Những người bị tai nạn giao thông sử dụng rượu bia thường bị ảnh hưởng tri giác, bị kích thích, hôn mê, ảnh hưởng quá trình thăm khám điều trị, thậm chí nôn ói nhiều gây hít sặc. Đặc biệt, nếu người thân cũng dùng rượu bia khi đưa nạn nhân vào viện thì thường cũng không phối hợp, càng gây khó khăn trong việc chẩn đoán điều trị sớm cho người bị nạn.
Tại khoa Chấn thương sọ não - Bệnh viện Chợ Rẫy, đa số bệnh nhân phải nhập viện và bị các chấn thương nặng là do tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp chấn thương sau điều trị vẫn tiếp tục uống rượu bia còn gây thêm nhiều hệ quả lâu dài về sức khỏe và rất khó điều trị.
Bác sĩ Trần Minh Tâm, công tác tại khoa Chấn thương sọ não - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết có nhiều ca chấn thương tổn thương về mắt, ảnh hưởng thần kinh thị giác nhưng người say không tỉnh táo khiến bác sĩ không đánh giá về thị lực được, nên sau đó để lại những di chứng có thể rất nặng nề, chẳng hạn như mù mắt. Một số trường hợp sau khi bị tai nạn nhập viện thì lên cơn sảng rượu, gây co giật toàn thân. Tuy chấn thương không nặng nhưng vì trước đó uống nhiều bia rượu nên men gan tăng cao, dễ dị ứng một số loại thuốc và ảnh hưởng rất nhiều trong việc điều trị dứt điểm.
Bình luận (0)