Uống thuốc tránh... lừa

06/09/2014 01:51 GMT+7

Xin được nói ngay, lừa ở đây không phải là con lừa mà là lừa đảo. Tất nhiên, chẳng có một phương thuốc nào uống vào thì tránh bị lừa, đó chỉ là một cách nói, có thể hiểu nôm na là mỗi người tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để có thể “vô nhiễm” với các chiêu lừa.

Nói đến lừa đảo, bao giờ người ta cũng kèm thêm một cụm từ “quá bất ngờ”, “không giống ai”... Nói là nói thế chứ những kẻ lừa đảo mà không bất ngờ và “giống ai” thì làm sao lừa được người khác? Chỉ có một điều là, cho dù những chuyện đó đã được khuyến cáo, báo chí nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn không ít người bị dính bẫy. Vì sao?

Vào tìm kiếm của Google, gõ hai từ “lừa đảo” thì trong 0,28 giây cho ra gần 3 triệu kết quả. Tức là tần suất xuất hiện của hai từ này là vô cùng nhiều. Nào là lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua điện thoại... và vô số kiểu lừa trực tiếp.

Người nào đã dùng điện thoại di động hẳn ít nhất cũng không dưới một lần nhận được tin nhắn nhờ nạp card điện thoại; báo có anh, em X, Y, Z tặng quà là một bài hát; có cuộc điện thoại từ số lạ gọi nhỡ... Nếu người dùng điện thoại gọi hoặc nhắn tin ngược lại thì đã bị kẻ đó móc túi một khoản tiền không nhỏ.

Cũng không ít người ham mê làm giàu bằng việc bán hàng đa cấp phi pháp để rồi ngậm đắng nuốt cay; không ít người nghe lời ngon ngọt của em anh B, cháu anh C... để đưa tiền cho bọn xấu đi “lo việc”, thậm chí mang cả đất đai nhà cửa cầm cố cho quân lừa đảo... Đến khi hiểu ra thì lại... “quá bất ngờ”.

Chúng ta thường nói với nhau rằng, dân mạng chẳng ai xa lạ với điều đó, nhưng 90 triệu dân ta không phải ai cũng đọc mạng, cũng biết mà còn vô số người hằng ngày vẫn tiếp nhận thông tin qua các phương tiện khác, từ báo in, từ loa truyền thanh của phường, xã; từ thông báo của tổ dân phố, của thôn xóm nơi cư trú hay nơi mình đang học tập và làm việc, thậm chí là từ những cuộc tám khi cà phê hay khi cùng nhau đi bộ...

Tuy nhiên, ngày nay, những phương tiện đó ngày càng bị thu hẹp. Sự mai một của các phương thức tuyên truyền nói trên có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có một nguyên nhân là chúng ta đánh giá quá cao và quá lệ thuộc vào internet. Ai cũng nghĩ rằng, chuyện đó mà nói gì, mở mạng ra là biết...

 “Dân mạng” thì hầu như chỉ quan tâm đến những gì mà họ... quan tâm; cách đọc mạng, tiếp nhận từ mạng cũng khác, thường là lướt qua để biết nội dung chính của vấn đề chứ ít khi đi vào chi tiết. Khác với những người đọc sách hoặc báo in, họ lật qua lật lại, đọc bằng hiểu mới thôi.

Trở lại vấn đề đã nêu, để tăng sức đề kháng cho mình, mỗi người cần phải hiểu rõ và hiểu thấu đáo các thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu. Muốn thế, cần phải tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau, nhưng cho dù bằng con đường nào thì cũng phải hiểu đến nơi đến chốn.

Như trên đã nói, các phương tiện khác ngày càng bị mai một, ngay cả thói quen đọc sách, báo cũng nằm trong tình trạng đó. Internet ngày càng phát triển nhưng nhược điểm của nó thì chúng ta đã nói đến ở trên. Vấn đề còn lại là ý thức của từng cá nhân trong văn hóa đọc và nỗ lực của cộng đồng để đưa thông tin đến với nhiều người nhất. Có thể ví là làm sao để người dân được uống thuốc tránh... lừa.

Nói như ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam (TP.Hội An), đơn vị đang mỗi ngày tặng 2.000 tờ báo in Thanh Niên cho người dân các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi): “Chúng tôi quyết định thực hiện chương trình này bởi việc hỗ trợ người dân xã đảo tiếp cận thông tin là một việc làm thiết thực”.

Nguyễn Vũ

>> Trục xuất 26 người nước ngoài lừa đảo qua mạng
>> Bắt 2 người Trung Quốc vì lừa đảo qua mạng
>> Triệt phá băng lừa đảo qua điện thoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.