Uống thuốc, uống luôn vỏ thuốc kẹt vào thực quản

23/03/2017 18:35 GMT+7

Bệnh nhân uống cùng lúc 5 loại thuốc điều trị đau đầu và tăng huyết áp. Trong đó, có một viên quên… bóc bao phim (vỏ thuốc). Dị vật 'đi lạc' này mắc kẹt ngay đoạn 1/3 giữa thực quản.

Bệnh nhân P.T.D. (55 tuổi, ngụ Tây Ninh) nhập viện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vì đau tức sau xương ức.
Chị D. cho biết, 4 giờ trước đó, chị uống cùng lúc 5 loại thuốc điều trị đau đầu và tăng huyết áp.
Sau khi uống thuốc, chị cảm thấy đau vùng họng và sau xương ức. Lúc này, chị mới nhớ lại và phát hiện trong số thuốc uống có một viên chị quên… chưa bóc bao phim (vỏ thuốc).
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được nội soi thực quản. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện đoạn 1/3 giữa của thực quản có dị vật là vỏ thuốc góc sắc nhọn, đâm xuyên niêm mạc thực quản gây chảy máu nhẹ.
Các bác sĩ đã nội soi gắp dị vật ra ngoài cho bệnh nhân.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Công Khánh, Phó trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, người bệnh rất may mắn do nhập viện sớm khi dị vật chưa gây biến chứng loét và thủng thực quản. Vì vậy, việc gắp dị vật cũng chỉ cần thực hiện qua nội soi, chứ bệnh nhân không cần phải can thiệp phẫu thuật lớn.
Coi chừng dị vật "đi lạc"
Bác sĩ Khánh nhận định: Bị mắc dị vật đường tiêu hóa là tình trạng tương đối phổ biến. Khoảng 80% các trường hợp, dị vật sẽ đi ra ngoài qua hậu môn mà không gây biến chứng. Dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em (nhất là từ 6 tháng đến 6 tuổi). Ở người lớn, dị vật thường xảy ra ở người bệnh rối loạn tâm thần, chậm phát triển tâm thần, say rượu hay những tù nhân cố ý nuốt dị vật. Những người bệnh không có răng hay sử dụng răng giả cũng thường bị dị vật đường tiêu hóa.
Bác sĩ nội soi lấy dị vật trong thực quản cho bệnh nhân Nguyên Mi
"Dị vật bị kẹt, gây tắc nghẽn hay thủng thường xảy ra tại những vị trí đường tiêu hóa bị hẹp hoặc gập góc. Do đó, những người bệnh đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa hay có bất thường bẩm sinh ở đường tiêu hóa sẽ có nguy cơ cao bị dị vật. Những dị vật sắc nhọn như xương (cá, gà, vịt, heo,…), vỉ thuốc thường gây thủng đường tiêu hóa", bác sĩ Khánh cho biết thêm.
Sau khi nuốt dị vật, bệnh nhân thường có các biểu hiện như: nghẹn, bỏ ăn, nôn, chảy nước bọt, khò khè, nước bọt có máu và khó thở.
Dị vật vùng hầu họng có thể gây rách và chảy máu, khó thở, thủng và tạo áp xe vùng hầu họng. Dị vật gây thủng thực quản trên hay vùng hầu họng sẽ gây phù nề vùng cổ, đỏ da, tràn khí dưới da.
Dị vật gây thủng dạ dày hay ruột non sẽ gây tình trạng viêm phúc mạc (nhiễm trùng ổ bụng) với các biểu hiện đau bụng nhiều, sốt,…
Phòng tránh nuốt... dị vật
Bác sĩ Khánh khuyến cáo để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa: Đối với người lớn tuổi, nếu thường uống nhiều thuốc cùng lúc để điều trị bệnh cần thận trọng bóc vỏ bao thuốc trước khi uống; hạn chế và thận trọng khi ăn thức ăn có nhiều xương như cá, gà, vịt,…
Đối với người có tiền căn phẫu thuật thực quản, dạ dày, cần nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
Đối với người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả.
Đối với trẻ em, cha mẹ cần để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể cho vào miệng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.