Kinh tế chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng những dấu hiệu lạc quan là không thể phủ nhận. Trên thị trường chứng khoán, nút thắt lớn nhất những năm gần đây là thanh khoản đã được giải tỏa. Dòng tiền đổ vào kênh này liên tục lập kỷ lục. Và chỉ trong tháng 3 tới, hàng ngàn tỉ đồng sẽ tiếp tục chảy vào đây khi khối doanh nghiệp (DN) nhà nước thực hiện các cuộc IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chứng). Hàng tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào chuyển nhượng, mua bán dự án của các DN trong nước cũng tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ cho thị trường bất động sản sau một thời gian dài im ắng. Trên thị trường dịch vụ, tiêu dùng, ẩm thực... cuộc chiến lớn nhất với hàng Trung Quốc độc hại, chất lượng kém đã có bước chuyển tốt khi tâm lý người tiêu dùng đã thực sự cảnh giác hơn với các sản phẩm có xuất xứ từ "người láng giềng khổng lồ" này. Đó là sự chuyển động tích cực có thể "nhìn" thấy được của nền kinh tế. Chỉ có điều, "bắt" được những tín hiệu lạc quan đó, phần lớn vẫn là DN nước ngoài.
Điền vào khoảng trống tâm lý sợ hàng Trung Quốc không phải là các nhà sản xuất trong nước mà là hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc... đang len lỏi khắp nơi. "Thế chân" những nhà hàng, quán ăn Việt bị đóng cửa khi không vượt qua nổi khó khăn kéo dài là sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới, những trung tâm ẩm thực chuyên Nhật, Hàn... Vốn ngoại cũng là lực đỡ cho những phiên thanh khoản mạnh trên sàn chứng khoán. "Hồi sinh" nhiều dự án dở dang vì thiếu vốn của DN trong nước cũng là không ít các ông chủ lớn đến từ bên ngoài biên giới. Điều này cũng dễ hiểu, nếu sau khủng hoảng, DN nhiều nước bắt đầu ổn định trở lại thì DN trong nước lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn riêng của nền kinh tế. Chi phí đầu vào không thể hạ khi nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn không ngừng nâng giá những khách hàng tốt phải gánh thêm cho những khoản nợ xấu nên lãi suất giảm không đáng kể; cơ hội tiếp cận vốn gặp nhiều rào cản trong khi đầu ra phải cạnh tranh quyết liệt với hàng lậu, hàng nhái, hàng giả....
Tất nhiên, sự tham gia của dòng vốn ngoại là hết sức cần thiết cho thị trường nội địa, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nhưng để phát triển bền vững và lâu dài, bất cứ nền kinh tế nào cũng phải dựa vào nội lực. Đó chính là các DN, các nhà sản xuất trong nước, những đối tượng vẫn đã và đang bị "hụt hơi" vì khó khăn kéo dài. Vì vậy, đây là lúc cần có những chính sách đặc biệt về thuế, về lãi suất, thủ tục hành chính, cơ hội tiếp cận vốn, các giải pháp kích thích tiêu dùng... từ Chính phủ, Bộ, ngành nhằm hỗ trợ DN trong nước vực dựng nội lực để bắt kịp cơ hội khi kinh tế ấm lại. Nếu không, rất có thể chúng ta lại chậm chân trên chính sân nhà. Mà chậm chân lần này, hậu quả và sự thiệt thòi của khối nội sẽ tăng gấp đôi bởi không chỉ lỡ những cơ hội được tạo ra khi kinh tế phục hồi mà còn cả cơ hội khi VN tham gia Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hơn lúc nào hết, lúc này phải tập trung "ưu đãi" DN trong nước để tạo dựng nội lực lâu bền cho nền kinh tế.
Nguyên
>> Chú trọng khai thác thế mạnh nội lực, nguồn lực, thị trường trong nước
>> Tiêu thụ trong nước là nội lực
Bình luận (0)