* Chuyển nhượng nhà ở duy nhất vẫn phải đóng thuế
Bộ Tài chính công bố dự luật mới tại hội thảo “Góp ý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm qua (1.9) tại Hà Nội.
Lắp ráp xe hơi tại Khu liên hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải - Ảnh: Đình Mười
|
Điểm lớn nhất trong dự thảo, theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), là sẽ tiếp tục miễn, giảm, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN trong bối cảnh VN đã ký kết 10 hiệp định thương mại.
|
Cụ thể, miễn thuế đối với các tổ chức tài chính vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, nếu trước kia các DN không được bù trừ lãi, lỗ từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) với lỗ từ hoạt động kinh doanh thì lần này sẽ được thực hiện. “Lần này sẽ mở thoáng hơn cho DN được bù trừ 2 chiều như có thể bán trụ sở để bù đắp trả cho ngân hàng hoặc lỗ từ hoạt động kinh doanh. Trước kia không được làm vậy. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng, các DN cũng tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng”, ông Thi giải thích thêm.
Một điểm đáng chú ý khác, dự thảo hướng tới mục tiêu giảm thuế để hỗ trợ ngành ô tô nội địa. Theo đó, sẽ bổ sung vào diện ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất ô tô (kể cả đầu tư mới và dự án đang hoạt động). Cụ thể, đề xuất áp dụng thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm đối với dự án sản xuất các dòng xe ưu tiên đáp ứng được tiêu chí (có vốn trên 6.000 tỉ đồng, giải ngân tối thiểu trong 3 năm), dự án đầu tư mới để sản xuất các cụm chi tiết quan trọng (gồm sản xuất động cơ, cầu truyền động, hộp số).
Đối với luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế, quà tặng là BĐS giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng; miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại VN và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại cho VN; miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân viên VN làm việc tại văn phòng đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc tại VN. Bổ sung quy định giảm thuế suất cho hai đối tượng: giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực làm việc tại khu kinh tế; cho các đối tượng làm tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, luật cũ quy định miễn hoàn toàn thuế TNCN cho người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở nhưng dự thảo mới sửa lại chỉ được miễn ở một khoản nhất định theo mức do Chính phủ quy định. Theo Bộ Tài chính, thực tế có nhiều vướng mắc trong việc xác định nhà ở duy nhất và cá nhân cũng lợi dụng quy định này để trốn thuế bằng cách chuyển nhượng cho người thân trong gia đình. Vì vậy, điều chỉnh để lấp kẽ hở, đảm bảo công bằng và tránh thất thu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu để xác định cá nhân kinh doanh không thuộc diện nộp thuế TNCN từ mức 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/năm.
Giảm thuế xe nhỏ, tăng thuế ô tô dung tích lớn
Liên quan đến Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô, dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1, đối với loại xe có dung tích xi lanh 1.000 - 1.500cc trở xuống có lộ trình điều chỉnh: từ 1.7.2016 - 31.12.2017 thuế suất giảm 45% xuống 30%, tiếp tục giảm xuống 25% sau 1.1.2018. Phương án 2: loại dung tích 1.500cc trở xuống từ 1.7.2016 giảm 45% xuống 30% đến 31.12.2017; từ 1.500 - 2.000cc giảm 45% xuống 40%, sau năm 2018 giảm tiếp xuống 30%. Xe dung tích trên 2.000 - 3.000cc từ 1.7.2016 tăng 50% lên 60%, sau đó giảm xuống 55% từ ngày 1.1.2018. Loại trên 3.000cc tăng 60% lên 75%, sau đó giảm xuống 70% từ 1.1.2018.
Theo ông Phạm Đình Thi, đối với dòng xe dung tích nhỏ chủ trương sẽ giảm thuế suất, còn đối với xe dung tích lớn hay còn gọi là siêu xe phải tăng, đánh thuế cao hơn. Như vậy, người dân có thu nhập trung bình được hưởng lợi khi mua xe; đồng thời tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển.
|
Bình luận (0)