"Vua thép" khẳng định cung ứng đủ, giá thấp hơn nhập khẩu
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô đặc biệt lớn, có công nghệ mới và lần đầu tiên triển khai. Trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình T.Ư Đảng, cũng như báo cáo khả thi Chính phủ trình Quốc hội, Bộ GTVT đều đưa ra cơ chế chính sách làm sao để các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể cùng tham gia. Bộ GTVT đã mời chuyên gia ở các lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, xây dựng, chủ động xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, đề xuất các giải pháp khuyến khích DN trong nước. Đơn cử như các điều kiện ràng buộc tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia; hay chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các DN 100% vốn nhà nước hoặc đặt hàng DN trong nước thực hiện các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được.
Bộ GTVT cũng đã khảo sát, làm việc với các DN, ví dụ DN luyện kim, sản xuất thép hay như Tổng công ty đường sắt VN về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị… Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: "Chúng ta tự tin các DN VN có thể tham gia, tiến tới làm chủ công nghệ, chỉ cần cơ chế chính sách phù hợp".
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không
Thực tế, ngay sau khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư Đảng thông qua chủ trương về đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khá nhiều DN xây lắp, sản xuất vật liệu, chế tạo, công nghệ thông tin... đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu dự án đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia. Đánh giá cao chủ trương "phải sử dụng" hàng hóa của DN trong nước sản xuất được vào các gói thầu, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cho biết hiện Hòa Phát là DN sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao.
Vì thế, "Vua thép Việt" tự tin cam kết 4 điểm: Một là đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Thứ hai là tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu. Thứ ba là đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Thứ tư là đảm bảo giá của Hòa Phát sẽ cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
"Chúng tôi sở hữu các khu liên hợp thép hiện đại, đội ngũ nhân lực đã tự tin làm chủ công nghệ để sản xuất nhiều loại thép khó, chất lượng cao phục vụ công nghiệp xây dựng, cơ khí chế tạo... Chuỗi sản phẩm đa dạng, từ các loại thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, thép dự ứng lực cường độ cao, thép rút dây đến thép cán nóng (HRC), ống thép, tôn mạ. Chưa kể, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng tôi", ông Trần Đình Long khẳng định.
Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến 1.730 km, đường sắt Bắc - Nam dự kiến sẽ tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm, mang đến cơ hội đột phá cho ngành thép Việt.
DN Việt đủ sức cung ứng
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đánh giá sau một giai đoạn chuyển mình nhờ các dự án giao thông hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc sẽ đánh dấu mốc cho sự trưởng thành không chỉ của DN xây dựng mà của cả đất nước. Bởi phần xây dựng dưới đường ray không khác nhiều so với các công trình đường bộ trong khi đào hầm, xuyên núi, chúng ta đều đã làm được. Khi các nhà thầu thi công xây dựng VN đảm nhận được những hạng mục này thì các DN cung ứng vật liệu cũng sẽ có cơ hội tham gia, như cách làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam thời gian qua.
"Còn từ đường ray trở lên tới các trang thiết bị đầu máy, toa xe thì các DN trong nước sẽ liên danh với DN nước ngoài có năng lực để học hỏi, dần làm chủ công nghệ. Chúng ta không tính chỉ xây một tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà còn quá trình bảo trì, vận hành sau này, thậm chí làm thêm các tuyến rẽ ngang. Vì thế, cơ hội tham gia tối đa trong chuỗi sản phẩm xây dựng dự án lần này sẽ là bước tiến mới cho các DN nói riêng cũng như ngành xây dựng VN nói chung", lãnh đạo Đèo Cả nói.
Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), các công việc liên quan tới xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam chia thành nhiều nhóm. Trong đó, phần xây dựng hạ tầng thô như cầu, hầm, đường... các nhà thầu VN hoàn toàn có thể đảm nhận được. Các hàng hóa cung ứng như sắt, thép, bê tông, sỏi... chiếm một phần rất lớn và các DN sản xuất vật liệu xây dựng nội địa hoàn toàn có thể cung ứng đủ nhu cầu. Phần đường ray thì khó nhất là hệ thống ray, tà vẹt với yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Trong hơn 1.000 km đường ray đường sắt cao tốc, các DN vật liệu xây dựng, DN cơ khí cũng có thể làm theo đơn đặt hàng thiết kế, cung ứng sắt, thép... Còn về hệ thống đầu máy, toa xe, động cơ thì phần vỏ hầm VN vẫn cần liên danh và học hỏi, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Song những phần đệm, mút, ghế tàu... thì DN nội hoàn toàn có thể tham gia sản xuất.
"Một phần nữa vô cùng quan trọng, mang tính chất như trái tim của đoàn tàu là hệ thống thông tin, tín hiệu. Đây là phần vô cùng phức tạp và khó khăn. Chúng ta không kỳ vọng có thể chủ động ngay phần công nghệ lõi điều khiển hệ thống tín hiệu, nhưng VN đang có những tập đoàn bưu chính, viễn thông rất mạnh như Viettel, FPT... hoàn toàn đủ khả năng cùng tham gia và chuyển giao công nghệ. Làm đường sắt cao tốc không chỉ là đường ray, đoàn tàu mà còn rất nhiều mảng trong quản lý, khai thác, vận hành. Ở khâu nào, DN nội cũng có thể tham gia", ông Trần Chủng nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đánh giá đây là chủ trương rất hay, rất đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo sức bật và độ lan tỏa lớn cho nhiều ngành kinh tế, bắt đầu từ giao thông. Một công trình đầu tư công với số vốn cực lớn sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, kích hoạt rất nhiều ngành nghề.
"Đây vừa là cơ hội, tạo ra sân chơi mới nhưng cũng đồng thời là áp lực, động lực để các DN VN chuyển mình lớn mạnh hơn. Chủ trương đã mở, đã tạo mọi điều kiện như vậy, ai không nỗ lực, không chuyển đổi thì sẽ tự loại mình. Vấn đề là chúng ta cần một chiến lược mang tầm quốc gia để chuẩn bị sẵn sàng từ khâu vật liệu sản xuất để công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cái gì mình làm được luôn thì tham gia ngay, cái gì chưa làm được thì học hỏi. Quan trọng nhất là đảm bảo các sản phẩm VN làm đầu vào cho dự án phải đảm bảo cả chất lượng và số lượng", chuyên gia Bùi Trinh nêu quan điểm.
Đây là cơ hội để tất cả các ngành kinh tế từ giao thông, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo đến viễn thông, công nghệ... của VN có thể vươn tới trình độ đỉnh cao, lớn mạnh. Tôi có thể hình dung ra một sự phát triển rất tổng hòa của toàn bộ nền kinh tế ngay từ khi chúng ta bắt đầu quá trình xây dựng công trình thế kỷ này.
PGS-TS Trần Chủng
Bình luận (0)