Ưu tiên phát triển công trình xanh

Đình Sơn
Đình Sơn
29/09/2023 06:55 GMT+7

Đó là nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp tại tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 diễn ra vào ngày 28.9 tại TP.HCM.

Trong bối cảnh thế giới đang gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, thiếu nguồn cung năng lượng, áp lực của gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều có định hướng chính sách phát triển theo hướng xanh, thông minh, phát thải thấp hướng đến bền vững.

Tại Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sức khỏe con người. Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau COP 26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.

Công trình xanh lên ngôi - Ảnh 1.

Nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng công trình xanh sẽ trở thành xu hướng tất yếu

ĐÌNH SƠN

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corrporation, một trong số các doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển các dự án bất động sản xanh, cho biết sau gần 10 năm theo đuổi việc kiến tạo các công trình xanh, đến nay đã đạt được một số thành công. Theo đó, mức tiêu thụ năng lượng của cộng đồng, của hàng ngàn cư dân đã giảm 50% về điện, nước và rất nhiều chỉ số khác. Tuy nhiên, khi làm công trình xanh doanh nghiệp của bà gặp 5 thử thách phải đối mặt.

Điều đầu tiên, quá trình để ra được một công trình xanh không phải một sớm một chiều mà là cả quá trình rất dài, có thể hàng thập kỷ. Từ bắt đầu thiết kế, chọn đất cho đến thi công, vận hành rồi cải tiến sản phẩm. Điều thứ 2 rất quan trọng, đằng sau và lớn hơn công trình xanh đó là cộng đồng xanh. Chúng ta đang ở giai đoạn thúc đẩy các tiện ích xanh và những hành động xanh trong cộng đồng. Bởi vì nhà đầu tư hay thiết kế hay thi công chỉ đi qua một giai đoạn. Điều cuối cùng là chuyển cho cộng đồng để họ thực hiện cộng đồng xanh. Đây là giai đoạn doanh nghiệp được đồng hành cùng cộng đồng, không phải bán xong là xong. Chẳng hạn, Phúc Khang có đội ngũ thiết lập những sổ tay công trình xanh, giúp cư dân, cộng đồng và hướng dẫn họ thực hành xanh.

Thứ 3, việc nhân bản những mô hình về hạ tầng xã hội, hạ tầng tiện ích, hạ tầng kiến trúc thì mục đích của việc nâng cấp đô thị mới lên đô thị xanh là một tất yếu. Điều thứ 4, là vấn đề nguồn nhân lực. Có nhiều điều cần làm nên nhân lực là điều quan trọng. Điều cuối cùng như Thủ tướng đã công bố ở COP 26 là duy trì liên tục vấn đề hiện thực hóa COP 26.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết gần đây nhất vào tháng 9.2023, Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023  diễn ra với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0" với nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng thu hút hơn 120 chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia diễn đàn. Diễn đàn mang ý nghĩa thiết thực, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam và các nước. Qua đó, đã tuyên truyền nâng cao nhận thức hành động của người dân và doanh nghiệp TP.HCM về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động của xã hội, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và trong công trình xây dựng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Công trình xanh lên ngôi - Ảnh 2.

Một công trình xanh được xây dựng ở TP.HCM

ĐÌNH SƠN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng cho biết, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Nhưng qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. TP.HCM đứng đầu cả nước về số công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh với 1,264 triệu m2. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp… 

Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm thì con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới. Việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự gia tăng dân số, sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng… Theo số liệu nghiên cứu và đánh giá, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 - 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. 

Việc phát triển công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách… để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng Nghị quyết số 29 và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành xây dựng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.