Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 2: Ở đâu cũng thấy ưu tiên!

16/07/2013 03:00 GMT+7

Theo tài liệu phân chia khu vực, đối tượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 của Bộ GD-ĐT, số lượng địa phương và thí sinh diện ưu tiên dài dằng dặc.

Gây tâm lý ỷ lại, thiếu động lực phấn đấu

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, thí sinh thuộc đối tượng, khu vực ưu tiên cao nhất sẽ được cộng 3,5 điểm (nhóm ưu tiên 1 được 2 điểm và khu vực ưu tiên 1 được 1,5 điểm). Thêm quy định điểm sàn cho thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ thấp hơn 1 điểm so với mặt bằng chung. Như vậy, với các trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, ví dụ điểm sàn khối A là 13 điểm, thì thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm (trung bình mỗi môn hơn 3 điểm) là đậu ĐH.

 Học sinh ngay tại TP.Đà Lạt hưởng ưu tiên khu vực 1 (mức cao nhất) cùng mức ưu tiên với các huyện xa xôi của tỉnh Lâm Đồng, là không hợp lý - d
Học sinh ngay tại TP.Đà Lạt hưởng ưu tiên khu vực 1 (mức cao nhất) cùng mức
ưu tiên với các huyện xa xôi của tỉnh Lâm Đồng, là không hợp lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Nên để các trường ĐH, CĐ vùng tuyển các đối tượng ưu tiên này, còn các trường khác thì vẫn phải đúng theo quy chế: đủ điểm sàn, đạt điểm chuẩn mới đậu. Cũng phải xem xét lại các khu vực ưu tiên vì đến thời điểm này không còn phù hợp nữa. Có những nơi điều kiện, môi trường học tập đã tốt rồi nhưng lại được cộng tới 1 - 1,5 điểm là không công bằng
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành
(Phó hiệu trưởng Trường
CĐ Bách Việt)

Toàn quốc có 21 tỉnh thuộc khu vực 1, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Điện Biên, Đắk Nông. Ngoài ra, 43 tỉnh còn lại đều có xã/huyện thuộc khu vực 1. Ở các thành phố lớn cũng có rất nhiều huyện, xã thuộc khu vực 1. Ví dụ, TP.Hà Nội có các huyện: Ba Vì (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Thạch Thất (3 xã); TP.HCM: toàn bộ huyện Cần Giờ; TP.Hải Phòng: toàn bộ huyện Cát Bà, Bạch Long Vỹ, 7 xã của huyện Thủy Nguyên; TP.Đà Nẵng: huyện đảo Hoàng Sa, 4 xã thuộc huyện Hòa Vang, 3 xã thuộc thành phố.

Trong đó có những trường hợp bất hợp lý, được góp ý rất nhiều nhưng không thấy sửa đổi. Chẳng hạn, toàn tỉnh Lâm Đồng đều thuộc khu vực 1 là quá vô lý vì học sinh ở TP.Đà Lạt có mức sống và điều kiện sinh hoạt cao hơn nhiều so với bạn bè ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh này. Tiến sĩ Lê Cao Phan, nguyên Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Trưởng phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng Trường CĐ Sư phạm Lâm Đồng, thừa nhận sự vô lý này. Ông khẳng định: “Học sinh trên toàn bộ tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên 1,5 điểm khu vực. Trong khi tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc… điều kiện học tập của học sinh không thua kém những thành phố lớn. Nếu cộng điểm không hợp lý như vậy, nhiều em sẽ ỷ lại vào chính sách, biết rằng thế nào cũng vẫn được cộng thêm điểm, nên sẽ không có sự rèn luyện, nỗ lực”.

Không theo kịp thực tiễn

Toàn bộ 63 tỉnh thành đều có khu vực 2 nông thôn (cộng 1 điểm) và khu vực 2 (cộng 0,5 điểm).

Trong khi đó, các địa phương khu vực 3 (thí sinh không được cộng điểm ưu tiên nào) lại rất ít. Chỉ có một số quận, huyện của 4 thành phố lớn. Chẳng hạn Hà Nội gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông. TP.HCM gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú; các phường còn lại không thuộc khu vực 2 của quận 2, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân. TP.Hải Phòng gồm: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn. TP.Đà Nẵng có: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà (trừ phường Nại Hiên Đông), Ngũ Hành Sơn (trừ phường Hòa Quý), Liên Chiểu (trừ phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam).

Do không cập nhật so với diễn biến cuộc sống nên quy định về các khu vực ưu tiên nhiều chỗ không còn phù hợp. Trước thực tế này, tiến sĩ Lê Cao Phan cho rằng: “Hiện nay nhiều thành phố trực thuộc các tỉnh nằm trong khu vực ưu tiên 1 có điều kiện học tập cao, không thua kém nhiều so với các thành phố lớn, nhưng lại được cộng đến 1,5 điểm ưu tiên là bất hợp lý. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ nên phân chia lại khu vực để công bằng với thí sinh hơn, tránh trường hợp các em có học lực ngang nhau, thậm chí nhiều em giỏi hơn mà lại trượt do không được cộng điểm”.

Chính sách ưu tiên xét vào ĐH ở một số nước

Nhằm tạo cơ hội cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và vùng sâu vùng xa có cơ hội vào ĐH, Úc có kế hoạch tiếp cận giáo dục (EAS). EAS công nhận có nhiều sinh viên gặp khó khăn khách quan khi học trung học phổ thông và điều này ảnh hưởng tới điểm đánh giá xét vào đại học (ATAR). Những khó khăn, bất lợi khách quan có thể gồm khuyết tật, khó khăn tài chính, sống ở vùng sâu vùng xa, không nói tiếng Anh... Tuy nhiên, mỗi ĐH đưa ra EAS khác nhau và tự quyết định ứng viên có được hưởng ưu tiên cho chương trình học mà họ nộp đơn hay không. Không phải chương trình nào cũng thuộc EAS và phần lớn các trường không cho ứng viên hưởng ưu tiên khi xét tuyển vào ngành y.

Một số tiểu bang ở Mỹ cũng như một số khu vực ở Canada cũng áp dụng chính sách ưu tiên xét tuyển ĐH cho đối tượng gặp những bất lợi vì dân tộc thiểu số, sắc tộc, màu da, tầng lớp xã hội, nguồn gốc địa lý, giới tính… Cụ thể, những đối tượng này sẽ được ưu tiên xét tiêu chuẩn thấp hơn so với những đối tượng khác. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên này cũng gây ra nhiều tranh cãi, dẫn đến nhiều vụ kiện và nhiều tiểu bang ở Mỹ hiện nay không thực hiện chính sách này.

Minh Trung
(tổng hợp)

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ bổ sung vào đầu tháng 7.2013, có 2 nhóm ưu tiên theo đối tượng. Trong đó, nhóm ưu tiên 1 (cộng 2 điểm) gồm 27 đối tượng, nhóm ưu tiên 2 (cộng 1 điểm) có 8 đối tượng. Ngoài ra, còn có 19 đối tượng nằm trong diện được xét tuyển thẳng và 5 đối tượng được ưu tiên xét tuyển vào các trường.

Mỹ Quyên

>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.