Ưu tiên xét tuyển cũng có… điểm chuẩn

Hà Ánh
Hà Ánh
24/04/2023 07:26 GMT+7

Ưu tiên xét tuyển đang ngày càng trở thành một phương thức được nhiều trường ĐH lớn sử dụng trong tuyển sinh đầu vào. Dù được ưu tiên nhưng học sinh xét tuyển bằng phương thức này cũng cần đạt các mức điểm chuẩn khác nhau theo quy định từng trường ĐH.

 HỌC SINH NHỮNG TRƯỜNG THPT NÀO ĐƯỢC ƯU TIÊN ?

Dù có nhiều cách thức xét khác nhau, nhưng một tiêu chí được nhiều trường lấy làm căn cứ là học sinh (HS) của các trường THPT chuyên, năng khiếu và trường đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp các năm gần đây.

Một trong các phương thức tuyển sinh chính của ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều năm nay là ưu tiên xét tuyển áp dụng cho tối đa 25% chỉ tiêu các ngành. Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển thẳng áp dụng với HS giỏi nhất trường THPT được ban giám hiệu giới thiệu. HS này cần tốt nghiệp THPT 2023; là một trong nhóm 3 HS có điểm trung bình cộng học lực 3 năm học lớp 10, 11 và 12 cao nhất trường THPT và được ban giám hiệu giới thiệu; hạnh kiểm tốt 3 năm lớp 10, 11, 12. Diện ưu tiên xét tuyển áp dụng cho HS 149 trường THPT chuyên, năng khiếu và trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cao theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (tham khảo thông tin trên website Thanh Niên).

Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, các đơn vị thành viên dành tỷ lệ chỉ tiêu khác nhau để ưu tiên xét tuyển các HS này. Chẳng hạn, Trường ĐH Quốc tế dành 5 - 15% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển và 1% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng.

Ưu tiên xét tuyển cũng có…điểm chuẩn - Ảnh 1.

Học sinh 149 trường THPT chuyên, năng khiếu và trường đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được ưu tiên xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường khác nếu đáp ứng các điều kiện nhất định

NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành 5% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và 20% ưu tiên xét tuyển. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng dành tối đa 25% chỉ tiêu 2 phương thức này. Ngoài ra, trường này còn dành 1 - 5% chỉ tiêu xét ưu tiên với thí sinh có thành tích trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao…

Một số trường ĐH khác cũng xây dựng phương án ưu tiên xét tuyển cho HS của 149 trường THPT được ĐH Quốc gia TP.HCM công bố.

Năm nay, Trường ĐH Luật TP.HCM dành tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm, trong đó có một nhóm đối tượng xét HS học tại các trường THPT theo danh sách các trường THPT thuộc diện được ưu tiên xét tuyển năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng ưu tiên xét tuyển thẳng nhiều nhóm HS khác nhau, trong đó có HS trường chuyên, lớp chuyên theo quy định.

Trong khi đó, một phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là ưu tiên xét tuyển HS tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong 4 nhóm diện ưu tiên xét tuyển có HS giỏi trường chuyên, trường tốp 200 có ít nhất 3 học kỳ đạt HS giỏi và HS do ban giám hiệu trường liên kết giới thiệu.

TIÊU CHÍ TÍNH ĐIỂM CHUẨN

Tuy nhiên, không phải tất cả HS thuộc 149 trường THPT có tên trong danh sách quy định đều được ưu tiên trúng tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài điều kiện tốt nghiệp năm 2023 và hạnh kiểm tốt, HS còn cần đạt kết quả xếp loại HS giỏi 3 năm học lớp 10, 11 và 12. Nếu xếp loại học tập từ loại khá thì HS phải có thêm một trong các điều kiện liên quan các kỳ thi HS giỏi khác.

Khi nộp hồ sơ, HS cần kèm theo bài luận được viết trên giấy A4, trình bày lý do muốn học tại trường, mối quan tâm đến ngành học, mục tiêu học tập, nghề nghiệp, đóng góp cho xã hội của bản thân. Trên cơ sở các điều kiện trên, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ xét tuyển theo nguyên tắc điểm trung bình 3 năm THPT các môn tương ứng tổ hợp xét tuyển. Những thí sinh đoạt các giải thưởng sẽ được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển. Khi các thí sinh có điểm bằng nhau sẽ được phân loại dựa trên chất lượng của bài luận.

Ưu tiên xét tuyển cũng có…điểm chuẩn - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), một trong 149 trường THPT mà ĐH Quốc gia TP.HCM và nhiều trường khác áp dụng chế độ ưu tiên xét tuyển

LÊ TRÚC PHƯƠNG

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh - Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết dựa trên tổng thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu, trường sàng lọc hồ sơ từ cao xuống thấp. Chẳng hạn, năm 2022 dù có gần 3.800 hồ sơ đăng ký phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nhưng chỉ tiêu xét của trường chỉ tối đa 20%, với khoảng 450 thí sinh. Do đó, phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng HS giỏi nhất các trường THPT có 140 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 362 nguyện vọng, điểm chuẩn cao nhất là marketing và kinh doanh quốc tế với 28,9 điểm. Phương thức ưu tiên xét tuyển trường nhận được 3.779 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 11.555 nguyện vọng, điểm chuẩn cũng từ 72,7 đến 88,52 điểm (có nhiều quy định khác nhau về cách tính điểm chuẩn, HS có thể tham khảo trên website các trường - NV).

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết năm ngoái trường tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu phương thức này. Điểm xét tuyển là điểm trung bình học bạ 3 năm học THPT của các môn tương ứng với tổ hợp xét tuyển của từng ngành thí sinh đăng ký cộng điểm ưu tiên xét tuyển. Đa số tất cả ngành đào tạo đều có phổ trúng tuyển từ 7,8 - 8,8 điểm, cao nhất vẫn là khoa học máy tính với 9,9 điểm và khoa học dữ liệu với 9,5 điểm.

Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xét thí sinh diện ưu tiên xét tuyển dựa trên tổng điểm các môn (thuộc tổ hợp môn xét tuyển) lớp 10, 11, 12 được thể hiện trong học bạ THPT. Điểm trúng tuyển năm ngoái thấp nhất là 69,5 điểm với nhóm ngành kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dầu khí và cao nhất ở mức 86,6 điểm với ngành khoa học máy tính chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.