Bên cạnh đó là những thắc mắc về vấn đề ưu tiên xét tuyển đối với học sinh tại các trường THPT có điểm tốt nghiệp cao trong những năm gần đây.
Gần 2.000 học sinh lớp 12 của các trường THPT Trương Định, Gò Công, Bình Đông (TX.Gò Công) và THPT Gò Công Đông (H.Gò Công Đông) đã có mặt tại chương trình Tư vấn mùa thi cuối của năm 2023 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Trương Định (TX.Gò Công, Tiền Giang) ngày 2.4.
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại website thanhnien.vn, qua fanpage Facebook Báo Thanh Niên và qua kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.
TRƯỜNG ĐH NÀO ƯU TIÊN XÉT TUYỂN HỌC SINH TRƯỜNG THPT CÓ ĐIỂM CAO ?
Là trường nằm trong tốp 149 trường THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất 3 năm qua, học sinh (HS) Trường THPT Trương Định rất quan tâm tới việc ưu tiên xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đỗ Trần Tường Vi, lớp 12/5 và Võ Bảo Khang, lớp 12/1, thắc mắc việc nộp hồ sơ bằng phương thức này ra sao, cách sắp xếp nguyện vọng và nếu không có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có được xét hay không?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin: "ĐH Quốc gia TP.HCM có phương thức xét tuyển học bạ HS trường chuyên và tốp 149 trường có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất trong 3 năm gần đây". Theo tiến sĩ Hạ, nếu có chứng chỉ quốc tế, thí sinh sẽ được cộng điểm tùy vào mức điểm và tùy vào từng trường thành viên. "Không có chứng chỉ thì các em vẫn được xét tuyển bình thường dựa vào kết quả học bạ 3 năm THPT. Đến giữa tháng 4, các em có thể lên website của các trường để xem thông tin xét tuyển cụ thể", tiến sĩ Hạ cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin: "HS Trường THPT Trương Định và khu vực Gò Công có thành tích học tập rất tốt. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có ký kết ưu tiên xét tuyển với nhiều trường có thành tích cao, trong đó có Trường THPT Trương Định với chỉ tiêu khoảng 10 em. Theo đó, các em nộp kết quả học tập THPT đồng thời có thư giới thiệu của hiệu trưởng. Nếu các em có thành tích nổi bật trong các hoạt động xã hội, hoạt động Đoàn - Hội... thì sẽ có rất nhiều lợi thế".
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP SAU KHI TỐT NGHIỆP
Ngành nghề nào là thế mạnh của khu vực ĐBSCL và ra trường có nhiều cơ hội việc làm là vấn đề nhiều thí sinh quan tâm. Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp và thủy sản với rất nhiều sản phẩm về cây ăn quả, lúa gạo, nuôi trồng thủy sản... đã thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Trường THPT Trương Định, TX.Gò Công, Tiền Giang, đã phối hợp tổ chức thành công chương trình; các trường ĐH: Công nghiệp TP.HCM, Tài chính - Marketing, FPT TP.HCM và Công ty TNHH Trí Thức Toàn Cầu (GLINT) trao tổng cộng 20 suất học bổng Nguyễn Thái Bình; Hãng xe Avigo thuộc Công ty cổ phần đầu tư AVI vận chuyển, đưa đón đoàn tư vấn.
Tập đoàn công nghệ Xelex trao tặng 40 máy tính bảng cho Trường tiểu học Bình Xuân và Trường tiểu học Tân Trung.
Các đơn vị: Tổng công ty điện lực miền Nam (TP.HCM), Công ty TNHH y khoa Vạn Phước Cửu Long (TP.Cần Thơ), Công ty CP xây lắp điện Cần Thơ (TP.Cần Thơ), Công ty CP thiết bị điện Tuấn Ân (TP.HCM), Công ty TNHH thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long (TP.HCM), Công ty TNHH bê tông Hoàng Sở (H.Đức Hòa, Long An) đã hỗ trợ chương trình.
Một lĩnh vực lâu nay rất ít được thí sinh nhắc đến là mỏ - địa chất, đã được Nguyễn Minh Phụng, học sinh Trường THPT Gò Công, thắc mắc: "Em thấy mỏ - địa chất có rất ít thông tin trên mạng nên em muốn được tư vấn về ngành học này". Thạc sĩ Trần Vũ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay để làm việc trong lĩnh vực mỏ - địa chất, thí sinh có thể đăng ký ngành địa chất học hoặc kỹ thuật địa chất. "Học xong các em có thể làm nhiều công việc như quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác dầu mỏ, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám định đá quý, hoặc kiểm định đá quý ở các tập đoàn vàng bạc đá quý. Các em cũng có thể làm việc trong lĩnh vực địa chất công trình... Những ngành này do ít thí sinh chọn nên rất thiếu nhân lực", thạc sĩ Vũ nhận định.
Bình luận (0)