Sáng nay, 2.4, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên diễn ra Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Đây là trạm cuối trong hành trình Tư vấn mùa thi năm 2023. Điều đặc biệt, đó là ngoài 2.000 học sinh đến từ các trường THPT ở thị xã Gò Công và H.Gò Công Đông, Tiền Giang, chúng tôi còn gặp nhiều người cha, người mẹ của các em học sinh đến chăm chú lắng nghe, tỉ mỉ ghi chép thông tin chương trình để về cân nhắc cùng con chọn ngành, chọn trường.
Một trong số này là bà Huỳnh Thị Kim Ngọc, người mẹ tảo tần với nghề trồng lúa, chăn bò, trú ấp Thành Nhất, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Để có mặt ở trường THPT Trương Định lúc 8 giờ sáng nay, bà Kim Ngọc đã thức dậy lúc 3 giờ sáng, hai vợ chồng nấu đồ ăn cho cả nhà, làm việc ở vườn, ruộng, lo cho đàn bò mười mấy con ăn uống no nê. Xong xuôi công việc đồng áng, bà thay đồ, chạy lên xe máy, phóng tới trường.
"Con trai tui thích học ngành kinh tế, muốn thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nên tui phải đến coi chương trình tư vấn gì, các thầy cô khuyên bảo ra sao để về còn trao đổi thêm với con. Mình phải động viên con cho con cái yên tâm", bà Kim Ngọc cười mộc mạc.
Vợ chồng bà Kim Ngọc có 3 người con trai. Con đầu đang học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Người con thứ tên Nguyễn Huỳnh Thanh Nam đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công và cậu út đang học lớp 5.
Để nuôi 3 con ăn học, vợ chồng ông bà Kim Ngọc làm mười mấy công đất trồng lúa ở Tiền Giang (1 công bằng 1.000 mét vuông). Ông bà cũng nuôi hơn 10 con bò. Quanh năm, hai vợ chồng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
"May mắn, mấy đứa con nhà tui chăm chỉ, ngoan ngoãn, bà con hàng xóm ai cũng khen. Đứa nào cũng ngoài giờ học về là giúp mẹ việc nhà, làm ruộng. Vườn nhà trồng cỏ để nuôi bò, 3 đứa nghỉ học là giúp ba mẹ cắt cỏ cho bò ăn, dọn chuồng, hốt phân. Đứa đầu đang học đại học ở thành phố nhưng về quê là xắn tay áo đi hốt phân bò. Hai thằng sau cũng vậy, cứ tan học chiều về là vào chuồng bò giúp mẹ. Một bao phân bò bán được có 10.000 đồng thôi hà, được thêm đồng nào hay đồng đó", bà Kim Ngọc thật thà kể.
Người mẹ chất phác ở Gò Công cho hay thêm, bà luôn cảm thấy tự hào về cả 3 người con của mình, không chỉ chăm chỉ, chịu khó, cả 3 còn rất hiếu thảo với ba mẹ. Bà thường nói với các con là các con thấy ba mẹ làm ruộng vất vả như thế nào rồi nhưng cũng chỉ đủ ăn. Tương lai sau này là do các con quyết, ráng học cho thành người tử tế, đàng hoàng, có công việc tốt để đỡ khổ như ba mẹ.
"Thằng lớn thích đá banh lắm. Ngày xưa, nó đi đá banh về tối muộn, tôi rầy la bảo 'con thấy ba mẹ làm việc cực khổ như thế nào mà còn đi đá banh giờ mới về'. Sau này nó không đi đá banh nữa, hôm nào muốn đi lắm thì làm xong hết việc mới đi rồi nói với mẹ 'Mẹ ơi con biết nhà mình nhiều việc, nên con đã làm xong hết rồi, con xin mẹ đi đá banh một chút'", bà Kim Ngọc kể.
"Đứa thứ 2 nhà tui đang học lớp 12 Trường THPT Trương Định thì thương mẹ lắm, tối muộn học bài xong cũng phải vén mùng của mẹ, hôn mẹ một cái vào má rồi mới đi ngủ", bà Kim Ngọc xúc động kể về các con.
Với bà Kim Ngọc, món quà quý giá nhất chính là các con khỏe mạnh, hiếu thảo, chịu khó học hành. Còn lại, dù con chọn lựa, theo đuổi ngành nghề nào trong tương lai, ba mẹ cũng ủng hộ. "Đến chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tôi mừng lắm, mừng là có nhiều thầy cô, chuyên gia tư vấn rất hay, cho học trò nhiều lời khuyên bổ ích. Tôi cũng lắng nghe lời khuyên của thầy cô, để sau này có thể trò chuyện cùng các con, để chúng thêm vững tâm về quyết định của mình", người mẹ tảo tần trồng lúa, chăn bò nuôi 3 con khôn lớn bộc bạch.
Bình luận (0)