Đừng để gen Z mất niềm tin
Đã có hơn 18 năm làm việc ở lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, bà Vũ Thùy Như Linh, Phó tổng giám đốc HR1Tech, cho biết đã gặp gỡ nhiều trường hợp người trẻ dù đã đi làm, có bằng cấp tốt nghiệp hẳn hoi và ngày ngày vẫn hoàn thành công việc nhưng lại không hạnh phúc vì phải theo định hướng từ gia đình. Điều đó làm cho người trẻ phải bước đi trên một con đường dài hơn, có khi đi hết 4 năm đại học mà vẫn chưa biết mình là ai và sẽ đi về đâu, đối với xã hội đó là sự tổn thất về giá trị kinh tế.
"Nếu như các bạn chọn nghề theo mong muốn thì các bạn sẽ có nhiệt huyết, có động lực tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn nhưng đặt trong một sự gượng ép, khuôn khổ thì dù có năng lực học tập nhưng khi đi làm các bạn lại không có "lửa" trong công việc, không hứng thú nên lại đi tìm hướng đi mới, nghĩa là phải học lại rồi khởi động lại từ đầu", vị phó tổng giám đốc này cho hay.
Khi gặp nhiều bạn trẻ để phỏng vấn tìm ứng viên, bà Như Linh nhận được nhiều mong muốn được đổi ngành nghề hiện tại, dù khi ấy họ rất có năng lực và làm các công việc về quản lý có trình độ cao (senior) hay trưởng nhóm trong các tổ chức (leader). "Ở độ tuổi 27 - 30, họ quyết định đổi ngành và học lại để theo đuổi đam mê như học kinh tế ra đời đi làm nhưng cuối cùng lại sống với công việc làm đầu bếp, cắm hoa hay làm nghệ thuật", bà Như Linh chia sẻ.
Cũng là một người quan sát rất sâu về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc cao cấp nguồn nhân lực Tập đoàn PNJ, với 22 năm kinh nghiệm trong ngành HR (quản trị nhân sự) đã có nhiều tương tác, tư vấn cho người trẻ.
Theo ông Hùng, nếu cha mẹ quá cứng nhắc áp đặt và con cái đã nỗ lực để thuyết phục mà vẫn không thay đổi, buộc phải làm theo dù không mong muốn và người trẻ không đủ linh hoạt để học thêm các môn khác, làm thêm các công việc khác thì dễ dẫn đến tình trạng chán nản, buông xuôi.
"Điều dễ thấy nhất là sự chán chường, thậm chí không đủ kiên nhẫn theo hết chương trình học khiến lãng phí mấy năm tuổi trẻ hoặc dù học ra cũng sẽ rơi vào thất nghiệp, vì bản thân từ đầu đã không muốn thì khi đi làm nếu thấy không hòa hợp sẽ dừng lại. Điều tệ nhất là các bạn sẽ mất niềm tin, oán hận, trách móc cha mẹ thế này thế kia trong khi thực chất là cha mẹ muốn tốt cho con nhưng không thể giao thoa", chuyên gia này nói thêm.
Hãy để gen Z được học cái nghề họ muốn
Theo bà Như Linh, điều quan trọng nhất là gen Z cần phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định về mong muốn của mình, thậm chí là tự trải nghiệm nó, để có thể thuyết phục cha mẹ khi bị áp đặt vì đây là thời đại mà người trẻ hoàn toàn có thể tự tìm hiểu và truy cập các thông tin về ngành học, cơ hội việc làm một cách rất dễ dàng.
"Có ước mơ là phải thực sự đầu tư và có đam mê thực sự dành cho nó để khi trải qua nhiều vất vả, thất bại thì gen Z vẫn có thể kiên định và có kế hoạch giải quyết, chứ không phải cứ bám víu vào ước mơ với những lý do không rõ ràng như: "Không còn chỗ thi nào dễ hơn chỗ này" hay "Học ngành này vì không có thi môn A, môn B"… Đây hoàn toàn không phải là những điều mà phụ huynh có thể đồng cảm được", chuyên gia này bày tỏ.
Để người trẻ có thể đủ tự tin lựa chọn ngành học theo nguyện vọng hoặc dù đang bị gia đình áp đặt vẫn có hướng để thay đổi, ông Hùng cho biết gen Z có thể tham khảo các giải pháp sau:
"Nếu gen Z vẫn còn phụ thuộc vào gia đình như ngân sách, chi phí hỗ trợ về việc học mà không thể tự lập được thì có thể vẫn cứ tham gia vào chương trình mà ba mẹ mong muốn, tuy nhiên không có nghĩa là buông xuôi. Sau đó, vừa học vừa xem xét những tình trạng thực tế của chương trình học đó, nếu cảm thấy không hợp thì có thể chuyển ngành vì hiện giờ các trường đại học đều có cơ chế bảo lưu, chuyển ngành và chia sẻ lý do với gia đình thì cha mẹ sẽ thấy không bị chống đối".
Còn nếu vẫn học nhưng gen Z có thể đi làm kiếm thêm thu nhập, sau đó học thêm chuyên ngành mình yêu thích bằng các chương trình ngắn hạn thì khi tốt nghiệp đại học sẽ có cả hai bằng cấp. "Lúc này, người trẻ hoàn toàn có thể nộp đơn vào các doanh nghiệp mình mong muốn vì đã khá tự lập. Và khi gen Z có việc làm đúng với sở thích, tự kiếm thu nhập qua thời gian thì cha mẹ sẽ bị thuyết phục nếu thực sự công việc đó mang lại giá trị, niềm vui và cơ hội phát triển cho người trẻ, vì đó là mục đích mà cha mẹ hướng tới. Hoặc ngay trong giai đoạn đi học, người trẻ có thể xin thực tập, làm part-time tại doanh nghiệp thực tế để trải nghiệm và hiểu tính chất công việc, làm cơ sở cho việc xác định nghề này có phù hợp với mình không, có như mình nghĩ trước kia không", ông Hùng nói thêm.
Cũng theo ông Hùng, phụ huynh không nên quá áp đặt con cái, thay vào đó là sự tư vấn và định hướng. Hãy để gen Z được học cái nghề họ muốn, theo đuổi nguyện vọng của bản thân, thay vì ép buộc họ phải làm theo ý của người lớn trừ khi nguyện vọng đó sai và bất khả khi.
"Các bạn trẻ sẽ là người quyết định chính cuộc sống của bản thân sau này nên họ phải là người ra quyết định. Và khi đã quyết định rồi thì điều gen Z có thể làm là phải quyết tâm hướng tới hoàn tất chương trình học của mình một cách nỗ lực và hạnh phúc nhất", ông Hùng chia sẻ.
Bình luận (0)