Vênh điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ: Biểu hiện bất công bằng trong tuyển sinh

25/03/2023 15:24 GMT+7

Bộ GD-ĐT cần có biện pháp cụ thể sau khi công bố số liệu đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ để tránh đối sánh kiểu 'cưỡi ngựa… không xem được hoa'.

Kể từ năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi các môn, trung bình điểm thi từng môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng độ vênh nhau khá lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ tại nhiều trường, nhiều địa phương.

Vênh điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ: Biểu hiện bất công bằng trong tuyển sinh - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH bằng phương thức học bạ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần có biện pháp xử lý những trường, địa phương có độ vênh "một trời, một vực"

Tình trạng vênh điểm làm ảnh hưởng tới sự công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Chẳng hạn, nếu những trường, địa phương cho điểm học bạ quá cao so với năng lực thực tế thì một số thí sinh có thể từ rớt thành đậu nhờ học bạ "giải cứu" vì học bạ điểm cao vẫn là "điểm cộng" khi xét vào ĐH trong bối cảnh ngày càng nhiều trường ĐH xét tuyển bằng học bạ.

Còn những trường, địa phương đánh giá sát với năng lực thực tế thì học sinh sẽ chịu thiệt thòi hơn. Đó là sự không công bằng đã và đang diễn ra.

Vậy ai trả lại sự công bằng này cho thí sinh? Đây là một câu hỏi chính những người đứng đầu của trường, địa phương cần trả lời.

Hằng năm kể từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đánh giá tổng thể cả điểm thi và điểm trung bình học bạ bằng cách đối sánh điểm trung bình các môn thi và kết quả học bạ trung bình lớp 12 để xem độ tương thích.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả đối sánh, đối với những trường, địa phương có độ vênh không lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ thì đó là chuyện không phải bàn.

Tuy nhiên, với những trường, địa phương có độ vênh cao, thậm chí là khoảng cách "một trời một vực" thì Bộ GD-ĐT xử lý như thế nào?

Đừng để đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT kiểu 'cưỡi ngựa… không xem được hoa' - Ảnh 1.

Kể từ năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi các môn, trung bình điểm thi từng môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ

ĐÀO NGỌC THẠCH


Đừng để đối sánh chỉ là hình thức

Việc Bộ GD-ĐT công bố kết quả đối sánh và chỉ dừng ở hình thức nhắc nhở như "cần xem lại quá trình đánh giá trong các trường thực chất hơn" là không thuyết phục và thiếu công bằng. Điều này chẳng khác gì "cưỡi ngựa không xem được hoa", chỉ là hình thức.

Như vậy, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023, 2024. Những trường, địa phương có điểm vênh đã… rút kinh nghiệm hoặc sẽ tiếp tục… vênh điểm; điểm "ảo" cứ thế tồn tại, sự không công bằng giữa thí sinh lại tiếp tục xảy ra.

Một điều rất nguy hiểm là, nâng điểm học bạ "phóng khoáng" khiến học sinh xem nhẹ việc học và như vậy nhà trường đã "trao" cho học sinh sự thiếu trung thực trong học tập.

Nếu thầy cô trực tiếp dạy tạo điều kiện cho học sinh nâng cao điểm số bằng sự tiến bộ, ý thức việc học của các em thì điều đó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu những học sinh "chưa chịu học" được giáo viên nâng điểm "hào phóng" thì đó là thất bại trong giáo dục. Bệnh thành tích từ đó càng trầm trọng hơn.

Bộ GD-ĐT nếu đối sánh sát sao từng trường, người đứng đầu của trường phải chịu trách nhiệm khi điểm số vênh nhau quá lớn. Nếu làm được điều này thì phần nào sẽ thoát khỏi bệnh thành tích để việc sử dụng điểm học bạ xét tuyển vào trường ĐH đảm bảo công bằng so với các phương thức khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.