Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường QH vừa có báo cáo về kết quả giám sát việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nước mắm gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiêu chuẩn phải sát thực tiễn sản xuất
Theo đó, ủy ban này đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước mắm được các bộ, ngành liên quan ban hành tương đối đầy đủ, song cũng còn một số bất cập như việc giải thích thuật ngữ nước mắm chưa thống nhất; thiếu quy chuẩn về sản phẩm nước mắm, cá nguyên liệu trong sản xuất nước mắm.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường QH cũng cho biết, hiện vẫn thiếu quy chuẩn về dư lượng tồn dư các chất độc hại đối với nước mắm như histamine, xyanua, phenol… là một số chất tạo ra trong quá trình sản xuất nước mắm, chất bảo quản nguyên liệu cá tươi; các chất độc hại thải ra môi trường biển hoặc do ô nhiễm biển có ảnh hưởng đến nguyên liệu cá sản xuất nước mắm.
Liên quan tới dự thảo TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm định và công bố từng làm nóng dư luận hồi đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường QH cho biết “tán thành việc dừng công bố dự thảo” của bộ này.
Ủy ban này cũng lưu ý, trong quá trình hoàn thiện dự thảo cần lưu ý: việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý nước mắm phải dựa trên căn cứ khoa học, sát với thực tiễn sản xuất để bảo đảm tính khả thi; chú trọng quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, còn các chỉ tiêu về chất lượng như độ đạm, độ muối, hương vị... để thị trường (người tiêu dùng) quyết định và phải được minh bạch trên nhãn sản phẩm.
“Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần có tuyên truyền, giải thích rõ để không gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh mặt hàng tiêu dùng truyền thống; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lành mạnh hóa thị trường nước mắm”, báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng ký, có đoạn viết.
Cho tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nước mắm
Từ đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng tiến tới rà soát hoàn thiện và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nước mắm theo hướng phù hợp với điều kiện, loại hình sản xuất, kinh doanh nước mắm hiện nay.
Cụ thể, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm nước mắm; xây dựng ngưỡng tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm nước mắm như: chỉ tiêu xyanua, histamine, phenol, kim loại nặng... cho phù hợp với thực tiễn môi trường của Việt Nam.
Đối với dự thảo TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, ủy ban này kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu các ý kiến góp ý để hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu tác động hàm lượng histamine và một số chất độc hại khác có thể phát sinh trong quá trình sản xuất nước mắm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người để làm cơ sở cho việc quy định giới hạn chất này trong nước mắm.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường cũng kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân được tiếp cận, tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định kỹ thuật phục vụ quản lý nước mắm.
Trước đó, sau khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm nhận được nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới các quy định về dụng cụ chứa đựng; việc kiểm soát dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong nước mắm; khuyến khích kiểm soát histamine trong sản xuất nước mắm, ngày 12.3, Bộ Khoa học - Công nghệ đã quyết định tạm dừng công bố dự thảo này để lấy thêm ý kiến.
Nước mắm truyền thống chiếm 20% thị phần
Theo báo cáo nói trên, hiện có 2 loại hình sản xuất nước mắm phổ biến là nước mắm theo phương thức truyền thống và loại hình sản xuất quy mô công nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức truyền thống hiện có khoảng 2.800 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất nước mắm, chiếm khoảng 20% thị phần nước mắm trong nước.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thì số doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề nước mắm có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Đối với loại hình sản xuất theo quy mô công nghiệp, hiên có trên 10 doanh nghiệp, chiếm 70% thị phần. Trong đó, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan chiếm 62% thị phần nước mắm và khoảng 65% thị phần nước chấm.
|
Bình luận (0)