Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sáp nhập huyện, xã của 11 tỉnh, thành

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/12/2019 09:02 GMT+7

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thông qua 12 nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các huyện, xã của 11 tỉnh, TP.

Sáng 17.12, tại phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 100% thành viên UBTVQH đã tán thành thông qua 12 nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các huyện, xã của 11 tỉnh, TP, gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và đề án thành lập P.Quảng Thành thuộc TX.Gia Nghĩa, thành lập TP.Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Các nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1.1.2020.
Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ có 324 đơn vị cấp xã và 4 đơn vị cấp huyện tiến hành sáp nhập theo đề án của 11 tỉnh, TP. Sau khi sáp nhập, cả nước sẽ giảm thêm 2 đơn vị cấp huyện và 182 đơn vị cấp xã.
Thông tin tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hiện Bộ Nội vụ đã thẩm định và trình Chính phủ đề án sáp nhập huyện, xã của 38/45 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thuộc diện sắp xếp. Còn 5 tỉnh hiện đang hoàn thiện. Riêng TP.Hà Nội và TP.HCM hiện chưa gửi đề án cho Bộ Nội vụ để thẩm định. Tới nay, đã có 21 đề án của 21 tỉnh, TP sắp xếp đã được thông qua.
Trong tháng 12, Chính phủ sẽ trình để UBTVQH thông qua đề án của 22 tỉnh, thành nữa thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ thông qua các đề án sắp xếp huyện, xã của năm 2019. Ngoài ra, trong hồ sơ trình QH lần này, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh; huyện đảo Cồn Cỏ và TX.Quảng Trị của tỉnh Quảng Trị) và 24 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp do những lý do đặc thù về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với việc chưa sắp xếp các huyện, xã tại một số địa phương thuộc diện phải sắp xếp như Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, song kiến nghị, sau khi nghị quyết được thông qua, Chính phủ, địa phương cần hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện, nếu không sẽ lúng túng.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề về giải quyết số cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết theo quy định thì công tác cán bộ sẽ được giải quyết trong vòng 5 năm kể từ khi UBTVQH thông qua nghị quyết, nhưng đề án mà các địa phương trình ra QH đã xác định tới cuối năm 2022 là sẽ giải quyết xong số cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.