'Vá lỗi' của tạo hóa

An Dy
An Dy
27/02/2018 11:38 GMT+7

Có những lỗi kiến tạo từ khi còn trong thai khiến đứa bé mới sinh ra đã mang dị tật, và các bác sĩ chính là người nỗ lực “vá lỗi”...

Khoa Ngoại (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) là nơi có rất nhiều trẻ như vậy, mỗi trẻ mang một dị tật sơ sinh khác nhau. Có những cháu mang di tật tiêu hóa như không có hậu môn, hay teo đường ruột, teo thực quản; cháu khác lại dị tật hệ tiết niệu sinh dục, rối loạn đường tiểu, lỗ tiểu thấp, rối loạn phát triển giới tính...
Hậu môn cháu sẽ được đặt đúng chỗ!
Khi các bác sĩ khoa Ngoại (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) vừa kết thúc hội chẩn, đánh giá đáp ứng điều trị cho một bệnh nhi sơ sinh 3 ngày tuổi vừa được phẫu thuật dị tật teo thực quản thành công thì họ nhận được “tín hiệu” cầu cứu cách đó vài chục bước chân. Tại khoa Nhi sơ sinh, bà mẹ vừa sinh con mới hơn 1 ngày tuổi rơi vào tình trạng hoảng loạn khi thấy con mình không đại tiện như bình thường. Ê kíp bác sĩ chuyên phẫu thuật dị tật đường tiết niệu sinh dục lập tức có mặt để đánh giá tình hình. “Cháu bé bị dị dạng trực tràng thể không hậu môn với tỉ lệ khá hiếm, 1/4.000 ca”, Th.s-BS Nguyễn Phi Phong, Trưởng khoa Ngoại, nói nhanh sau khi xem phim chụp và kiểm tra hậu môn của cháu bé. Hội chẩn giữa các bác sĩ diễn ra nhanh gọn. Sau đó, bác sĩ Phong đến bên người mẹ và nói câu mà nhiều năm nay anh dùng nhiều nhất: “Còn điều trị được là còn hạnh phúc. Chị nghe lời bác sĩ và bình tĩnh nhé. Cháu bé cần sữa mẹ để khỏe mạnh và chiến đấu tốt hơn”. Rồi bác sĩ giải thích nhanh để trấn an người mẹ, đại loại cháu bé sẽ cần phẫu thuật để đặt hậu môn về đúng chỗ. Trước mắt sẽ đặt cho cháu một hậu môn nhân tạo phía trên bụng, sau đó phẫu thuật tạo hình... Sẽ phải mất khoảng 6 tháng để có thể xử lý ổn và theo dõi ổn định cho cháu trước các rối loạn như đại tiện, tiêu hoá.
Trước đó một ngày, ê kíp bác sĩ khoa Ngoại vừa đặt hậu môn nhân tạo cho một bệnh nhi 3 tháng tuổi, cũng là ca dị dạng hậu môn phức tạp. Với ca này, Th.S - BS Trần Tấn Liêm (khoa Ngoại) cho biết sẽ liên tục đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi ruột, tránh tối đa việc cắt bỏ đoạn ruột sát hậu môn của cháu. Bởi với tiêu chí của các bác sĩ, phần dị dạng sẽ phải được kiên trì “chỉnh sửa” theo cách tốt nhất và hoàn hảo nhất, cố gắng sẽ không phải cắt bỏ gì nữa…
Th.S-BS Nguyễn Phi (bìa phải) cùng các bác sĩ hội chẩn nhanh một trường hợp dị tật hậu môn Ảnh: AnDy

Khi bác sĩ ứa nước mắt
“Phải làm tốt nhất có thể, trong khả năng của mình”, đó là kim chỉ nam của không chỉ bác sĩ Phong, bác sĩ Liêm mà của cả ê kíp phẫu thuật ngoại khoa khi đối diện với một trường hợp dị tật đặc biệt, của một bệnh nhi sơ sinh ngay trước thềm năm mới Mậu Tuất. Cháu bé sơ sinh (quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khiến các bác sĩ ứa nước mắt khi nhìn hình hài cháu lúc mới chào đời. Không chỉ bàng quang của cháu bé lộ cả ra ngoài, nằm trên thành bụng khiến nước tiểu tràn chảy lênh láng mà dương vật của cháu cũng bị chẻ đôi. “Gia đình cháu hoang mang, hoảng loạn. Nhiều bác sĩ không chuyên ngoại nhi khi nhìn cũng thấy nghẹn thương. Chúng tôi đã xử lý ca đó suốt hơn 4 tiếng đồng hồ để “vá lỗi”, đóng bàng quang và đưa lại vào trong thành bụng, tạo hình lại dương vật và đường tiểu cho cháu”, bác Phong chia sẻ về một trường hợp bệnh nhi sơ sinh mà ê kíp vừa phẫu thuật thành công.
Có điều, phẫu thuật ngoại khoa về các loại dị tật cho bệnh nhi khác với các bệnh khác, đó là sự kết nối giữa ê kíp bác sĩ và gia đình bệnh nhân hầu như khó dứt. “Chỉ là những cuộc điện thoại để có thể chủ động đánh giá quá trình xử lý bệnh của mình, chỉ là nhắc nhở, tư vấn, dặn dò thêm cho người nhà cách chăm sóc các cháu tốt nhất. Danh sách kết nối cứ như vậy kéo dài và chúng tôi trở thành những tư vấn tâm lý bất đắc dĩ hồi nào không hay. Nhiều trường hợp theo dõi bệnh suốt rồi thân thương lắm, như người thân của mình vậy”, bác sĩ Phong tâm sự khi lật giở danh sách gần 1.700 bệnh nhi được phẫu thuật dị tật ở Khoa Ngoại riêng trong năm qua.
Tìm “đáp án” tốt nhất
Đối với các loại dị tật bẩm sinh, sơ sinh, kể cả bên ngoài cơ thể lẫn bên trong cấu tạo cơ địa, người nhà thường hay hỏi tại sao cháu lại bị thế này,m thế kia, còn bác sĩ thì tự hỏi phải làm như thế nào để cháu có được kết quả tốt nhất, tìm đáp án tốt nhất. “Không tự đưa ra được câu trả lời, chúng tôi sẽ hỏi nhau. Cần hội chẩn phải hội chẩn, trong nước tìm không được thì đưa hình ảnh đến bạn bè quốc tế tư vấn, nghiên cứu. Phải làm ngay, làm luôn, làm tốt nhất ngay ở thời điểm hiện tại vì các cháu đa phần quá nhỏ, quá yếu, không thể đợi được…”, bác sĩ Phong nói, xen giữa những câu chuyện phẫu thuật dị tật. Bởi theo bác sĩ này, còn có những dị tật khi thoạt nhìn chính giới chuyên môn đã cảm thấy bất lực…
Cũng vì tâm niệm như vậy, trong nhiều năm qua, khoa Ngoại (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) trở thành đơn vị tích cực kết nối với các chương trình phẫu thuật dị tật trẻ em trong nước và quốc tế như Mỹ, Đức… hay Quỹ Thiện Nhân phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục. Hàng nghìn trẻ được khám sàng lọc và đưa vào các chương trình phẫu thuật thiện nguyện mỗi năm, giảm gánh nặng chi phí đối với những gia đình nghèo khó, ở những vùng sâu vùng xa trên cả khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Không chỉ tìm kiếm các chương trình phẫu thuật dị tật quốc tế, miễn phí cho bệnh nhi của mình, các bác sĩ Khoa Ngoại còn có kiểu “mừng” phẫu thuật thành công... không giống ai. “Vài ngày trước, khi lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật teo thực quản cho một ca sơ sinh 3 ngày tuổi bằng phương pháp nội soi thành công, bác sĩ Nguyễn Đạt Huy, thành viên ê kíp phẫu thuật gọi báo tin vui cho một người bạn, nhân tiện “xin” được ngay 15 triệu đồng tặng hai mẹ con chỉ vì hoàn cảnh rất đáng thương”, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại tiết lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.