Thế nhưng dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin thì vẫn có thể nhiễm Covid-19. Thậm chí, hiện nay một số quốc gia đang lên phương án tiêm mũi thứ 3, để phòng vệ trước biến thể không ngừng tiến hóa của vi rút.
Cảm xúc tiêu cực là cơ hội cho nhiều mầm mống bệnh tật
Các nhà khoa học đang ngày đêm làm việc cật lực để mong cải tiến ra loại vắc xin tốt hơn, nhằm chạy đua cùng các biến thể vô hình ấy. Còn các quốc gia sau một thời gian phong tỏa, chìm trong bóng đêm đại dịch, tang thương với những con số người chết thì dần dần cũng phải gỡ bỏ phong tỏa để người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.
Nhiều người chờ đợi được tiêm vắc xin và cũng sẽ có những nhóm nhỏ tỏ ra hoài nghi hoặc không muốn tiêm vắc xin. Thậm chí, tỏ hẳn thái độ tiêu cực chống đối lại chính quyền địa phương, tung ra những tin tức thêu dệt chống phá. Cũng có nhóm người tự hủy hoại tâm trí của mình bằng việc hàng ngày lướt tin tức tiêu cực. Quả thật sự ủ rũ của những tháng ngày dài phải ở yên trong nhà không đáng sợ bằng việc để cho tâm hồn mình bị nhiễm phải những năng lượng tiêu cực.
Hết ngày này qua tháng nọ, nguồn năng lượng trong tâm hồn dần cạn kiệt sức lực cho dù thể trạng cơ thể vẫn khỏe mạnh thanh xuân. Đâu đó, sự sợ hãi hoang mang bủa vây không gian sống của họ, nó có thể hút cạn nguồn năng lượng sống trong mỗi người. Có khi chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì tâm hồn đang cạn kiệt năng lượng.
Lo lắng, sợ hãi, hoang mang về những nỗi đau mất mát khi phải mất đi người thân bạn bè, mất công việc và mất đi thu nhập. Đó là tâm trạng chung của rất nhiều người trên khắp hành tinh trong suốt hai năm nay. Cứ loay hoay nhốt mình trong những mớ cảm xúc tiêu cực sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho rất nhiều mầm mống bệnh tật tấn công cơ thể, chứ không riêng gì vi rút Corona.
|
Người chiến thắng là người có khả năng thích nghi
Khi tâm hồn hoảng loạn thì tự nhiên cơ thể sinh học cũng bị suy kiệt theo. Thế nên, trước khi tiêm vắc xin cho cơ thể, xin hãy nhớ một điều là phải tự tiêm vắc xin cho tâm hồn trước đã.
Song, nói thì dễ chứ làm mới là điều khó khăn. Bởi dịch bệnh chưa qua thì tỷ lệ người dân đã/đang và sẽ có nguy cơ bị trầm cảm tăng đột biến. Thậm chí nhóm người ở tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ cũng đã rơi vào những dấu hiệu liên quan đến trầm cảm, tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau của mỗi người.
Sự miễn nhiễm tâm hồn dành cho những ai đã may mắn tự “tiêm vắc xin cho tâm hồn” của mình, để có thể chống chọi với giông tố cuộc đời và những đại họa bất khả kháng. Lẽ dĩ nhiên, đại dịch bệnh lần này cũng là một tai họa bất khả kháng giáng xuống nhân loại, đến mức ban đầu có những quốc gia dù có nền y học tiên tiến nhất cũng đã chủ quan ỷ y cho rằng nó chỉ như một loại cảm cúm thông thường. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn họ buộc phải phong tỏa toàn quốc và cho đóng cửa hết các đường biên giới.
|
Quốc gia nào cũng mong nghiên cứu ra lại vắc xin tốt nhất để cứu dân mình nhưng sự thật tàn khốc là tốc đột biến chứng của vi rút tăng một cách chóng mặt. Vậy nên, đành phải quay ra phương án sống chung bình thường mới.
Thật ra trong lịch sử hình thành của trái đất thì con người chúng ta đã trải qua biết bao trận dịch bệnh tương tự. Những trận đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người từ già, trẻ, lớn, bé, giàu, nghèo…Và cũng vì một nhẽ, bản chất con người được sinh ra đã có sẵn một bản năng sinh tồn để còn vượt qua mọi nghịch cảnh của số phận mình. Nói theo góc độ của tôn giáo là tùy thuộc vào mức độ thiện duyên của mỗi người để họ có thể vượt qua được nghịch cảnh.
Còn nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học sẽ cho chúng ta thấy rằng tùy vào “sức đề kháng” của tâm hồn mỗi người sẽ giúp họ đương đầu với thử thách. Có một câu nói rất hay với đại ý rằng, người chiến thắng không phải là người thông minh nhất hay có sức khỏe tốt nhất, mà đó là người có khả năng thích nghi với mọi môi trường sống một cách tốt nhất. Vậy thì, muốn thích nghi được thì trước tiên cần phải tự tiêm cho mình vắc xin tâm hồn một liều cao nhất.
Xin hãy giữ cho mình một tâm hồn lạc quan nhất và một cái đầu thật tỉnh táo nhất để không thể chủ quan trước bất kỳ mọi tình huống nào xảy ra từ cuộc sống.
Bình luận (0)