Những người không ngồi yên đợi hết giãn cách

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/09/2021 06:00 GMT+7

Không ngồi yên đợi hết giãn cách, nhiều người trẻ khởi nghiệp có nhiều cách để chuẩn bị, sẵn sàng làm lại từ đầu khi TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới.

Xây dựng mạng lưới nông sản sạch

Phạm Anh Việt (25 tuổi), chủ homestay The Oven ở P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, cung cấp thực phẩm, bán đồ ăn vặt mang về, cho biết hơn 3 tháng nghỉ dịch vì Covid-19 là cơ hội để anh sống chậm lại, nghĩ nhiều hơn. Việt đã trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, từ truyền thông sự kiện, hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm, rửa chén ở nhà hàng đến ông chủ bán đồ ăn, chủ homestay… Việt hiểu sự chia sẻ và kết nối cùng nhau phát triển cộng đồng sẽ giúp mọi người cùng thành công.
Trong lúc đang giãn cách xã hội, Việt kết nối với nhiều thanh niên khác ở các tỉnh để cùng xây dựng mạng lưới thực phẩm sạch. Từ đó giúp thanh niên ở nông thôn vừa bán được sản phẩm, người tiêu dùng cũng có món ăn chất lượng.
“Đặc sản nông nghiệp ở các vùng quê rất dồi dào, nếu các bạn biết trân trọng và phát huy thì từ sản phẩm bình dân, quen thuộc cũng có thể trở thành mặt hàng thú vị, nhiều người tìm kiếm. Ví dụ, một mớ cá đồng một nắng kèm theo câu chuyện quê hương đăng tải trên mạng xã hội cũng khiến đắt hàng hơn”, anh Việt nói.

Hết giãn cách vẫn vừa làm việc, vừa đi chống dịch

Trong thời gian giãn cách xã hội, có những người trẻ khởi nghiệp không ngồi yên chịu cảnh thất nghiệp, họ đăng ký đi tình nguyện làm các nhiệm vụ chống dịch ở địa phương. Anh Thạch Trung Nghĩa (33 tuổi, chủ Patin Shop NCS, đường Thoại Ngọc Hầu, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay sắp tới dù hết giãn cách, anh vẫn bố trí vừa làm việc, vừa lấy xe hơi đi chở nhu yếu phẩm, đưa các bác sĩ đi làm nhiệm vụ, hỗ trợ bà con ở phường. “Tới khi nào TP.HCM hết dịch, tôi mới dừng công việc này. Mọi người cùng góp sức thì TP mới sớm thật sự bình yên. Khi đó, tất cả mọi người dân đều yên tâm để đến trường, học tập hay buôn bán”, anh Nghĩa nói.
Việt cho hay trước dịch, anh đã có nhiều khách hàng cần cung cấp số lượng rau củ quả, thịt cá thường xuyên. Như vậy, mạng lưới khách hàng có sẵn. Anh cũng có địa điểm tập kết hàng hóa tại TP.HCM, hàng từ quê gửi lên sẽ tỏa đi giao khắp thành phố. Tất nhiên, các sản phẩm phải được anh tìm hiểu nguồn gốc, quy trình sản xuất trước khi cùng hợp tác.
Hiện tại, ý tưởng của anh Việt được nhiều bạn trẻ từ khắp các vùng quê từ Cà Mau tới Đắk Lắk hưởng ứng, với đa dạng sản phẩm như: gà, vịt, tinh dầu, măng tre... Hết giãn cách, anh sẽ về các địa phương, làm việc cụ thể để đưa sản phẩm lên TP.HCM.
“Hướng đi xa là sau khi khách đã quen với sản phẩm địa phương, chúng tôi sẽ phát triển du lịch trải nghiệm, đưa mọi người tới trang trại để tự tay hái quả, hái rau hoặc bắt cá, làm ra các món ăn đó. Tôi tin cách này cũng giúp vực dậy du lịch sau dịch”, chàng trai cho hay.

Covid-19 sáng 28.9: Cả nước 766.051 ca mắc, 538.454 ca khỏi | TP.HCM chuẩn bị chi gói hỗ trợ đợt 3

Hỗ trợ nhân viên, khởi động từng bước

TP.HCM cho phép bán hàng mang về qua các ứng dụng đặt món, shipper giao hàng, song Nguyễn Sơn Tùng (29 tuổi), chủ tiệm cà phê sách Bản (đường Lê Lợi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), chưa bắt đầu kinh doanh lại.
“Tôi vẫn chờ đợi chỉ thị mới, khởi động từng bước. Tình hình dịch vẫn chưa ổn định, tiệm cà phê của tôi ở trên chung cư có đông người nên bán hàng mang về qua đội ngũ shipper cũng khá phức tạp, nhân viên đi làm chưa an toàn. Thời gian này, tôi lên kế hoạch để thời gian tới sẵn sàng cho kinh doanh, đồng thời cố gắng hỗ trợ cho các bạn nhân viên”, anh nói.
Cách hỗ trợ của Tùng là đăng ký các gói hỗ trợ của nhà nước cho nhân viên rồi bù thêm cho các bạn để mỗi người nhận đều nhau. Nhân viên nào là F0 cách ly tại nhà, anh đều cố gắng đặt mua thêm thực phẩm để gửi tới nhà cho các bạn vì lúc này mua thực phẩm không dễ dàng.

Thạch Trung Nghĩa đi chống dịch trong lúc giãn cách xã hội

Không chủ quan

Đồng quan điểm với ông chủ cà phê sách Bản, anh Phạm Hà Phú (32 tuổi), người khởi nghiệp Memory Wedding & Event trong ngành hoa cưới, tổ chức sự kiện, chia sẻ qua nhiều tháng giãn cách xã hội, ai cũng muốn sớm được trở lại kinh doanh buôn bán. Song các bạn không nên chủ quan khi tình hình dịch còn phức tạp và chưa đảm bảo mọi người được tiêm hết 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Theo anh Phú, khó khăn cũng đã khó khăn, giờ là lúc mọi người chia sẻ và đồng cảm với thành phố, chờ đợi thêm một thời gian, chậm mà chắc, để TP.HCM trở về nhịp sống bình thường mới sẽ yên tâm kinh doanh. “Không phải ngồi yên đợi hết giãn cách mới tính, mỗi người trẻ tích cực cần tĩnh tâm nhìn nhận lại, mình cần chuyển hướng kinh doanh gì sau dịch hay không. Thời gian qua, rất nhiều bạn bè tôi chuyển hướng sang làm bảo hiểm, bán rau củ quả trực tuyến, bán khẩu trang, thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu SpO2… Đi một vòng tròn thì con người đều quay về những nhu cầu cơ bản nhất, là thở, là ăn uống, là một cuộc sống giản dị, miễn khỏe mạnh”, anh Phú trao đổi.
Nguyễn Thanh Phú, 37 tuổi, khởi nghiệp với Lá chuối vegan - Rau củ quả và thực phẩm chay (42 Đề Thám, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM) cũng cho hay thời gian này anh giữ sức khỏe và tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng các kế hoạch kinh doanh để khi thành phố hết giãn cách là bắt tay vào làm việc trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.