Các nước châu Âu như Đan Mạch và Na Uy đã ghi nhận các trường hợp xuất huyết, máu đông và số lượng tiểu cầu thấp, khiến Ireland, Hà Lan ngày 14.3 lần lượt thông báo đình chỉ vắc xin AstraZeneca. Vào ngày 15.3, Indonesia tuyên bố trì hoãn việc tiêm vắc xin này.
Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Âu tạm hoãn triển khai vắc xin vào ngày 12.3. Đến ngày 15.3, chính phủ Thái Lan thông báo sẽ tiếp tục chương trình tiêm vắc xin AstraZeneca từ ngày 16.3, theo Reuters.
Dù vậy, Indonesia tuyên bố sẽ trì hoãn việc tiêm vắc xin AstraZeneca và chờ bản đánh giá toàn diện từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vắc xin AstraZeneca là loại đầu tiên và rẻ nhất được phát triển, tung ra thị trường với số lượng lớn kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát từ miền trung Trung Quốc hồi cuối năm 2019. Đây được xem là vắc xin Covid-19 chính trong chương trình tiêm chủng ở hầu hết những quốc gia đang phát triển.
Vào ngày 15.3, Cơ quan quản lý dược phẩm Đan Mạch công bố báo cáo cho thấy một phụ nữ Đan Mạch (60 tuổi) đã tử vong vì bị máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca. Theo báo cáo, người phụ nữ này có những triệu chứng "rất bất thường", với lượng tiểu cầu trong máu thấp và có các cục máu đông trong những mạch lớn và nhỏ, đồng thời bị xuất huyết.
Cơ quan quản lý dược phẩm Na Uy hôm 13.3 thông báo 3 nhân viên y tế Na Uy đang được điều trị tại bệnh viện vì “những triệu chứng bất thường” sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca tương tự trường hợp người phụ nữ Đan Mạch.
Vào ngày 14.3, AstraZeneca khẳng định vắc xin Covid-19 của công ty là an toàn. AstraZeneca cho biết công ty đã tiến hành cuộc đánh giá về hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh, phát hiện không có bằng chứng nào về nguy cơ bị máu đông.
Trước đó, WHO hôm 12.3 cũng đã lên tiếng bảo vệ vắc xin AstraZeneca, khẳng định không có lý do gì để ngừng sử dụng vắc xin này.
Bình luận (0)