AFP ngày 13.4 dẫn thông báo của Đại học Oxford cho biết vắc xin sốt rét R21/Matrix-M của trường đã được Ghana cấp phép sử dụng cho trẻ từ 5-36 tháng tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ bị tử vong vì sốt rét cao nhất.
Vắc xin R21/Matrix-M của Đại học Oxford hiệu quả 77% trong việc ngăn ngừa sốt rét, theo nghiên cứu được đăng tải hồi năm ngoái. Đây là vắc xin sốt rét đầu tiên vượt ngưỡng mong muốn 75% do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra và Ghana là nước đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin này.
"Đây được kỳ vọng là bước khởi đầu quan trọng, để vắc xin giúp trẻ em Ghana và châu Phi chống sốt rét hiệu quả", đại học thông báo.
Trưởng nhóm nghiên cứu chương trình vắc xin R21/Matrix-M, giáo sư Adrian Hill - đồng thời là Giám đốc Viện nghiên cứu vắc xin Jenner của Đại học Oxford, nói rằng việc vắc xin được cấp phép đánh dấu nỗ lực 30 năm nghiên cứu của trường, hướng tới một loại vắc xin có hiệu quả cao, có thể được cung cấp ở quy mô phù hợp cho các nước cần nhất. Ông Hill cho biết đây là lần đầu tiên một loại vắc xin quan trọng được phê chuẩn tại một nước châu Phi trước các nước giàu có hơn.
Nhóm nghiên cứu cho biết vắc xin này có thể mở ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét, căn bệnh do ký sinh trùng từ muỗi khiến 627.000 người thiệt mạng trong năm 2020, chủ yếu là trẻ em châu Phi.
Tháng 9.2022, Đại học Oxford thông báo rằng một liều vắc xin tăng cường của R21/Matrix-M giúp duy trì tỷ lệ miễn dịch cao chống lại sốt rét, đồng thời hy vọng loại vắc xin có giá cả phù hợp sẽ được sản xuất trên quy mô lớn trong vài năm nữa. Theo Reuters, Oxford có hợp đồng với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 200 triệu liều R21/Matrix-M mỗi năm.
Trước đó, mới chỉ có một loại vắc xin sốt rét duy nhất được WHO khuyến cáo lưu hành rộng rãi là RTS,S (tên thương mại là Mosquirix) của hãng dược GSK (Anh). Năm 2016, WHO thông báo vắc xin này sẽ được sử dụng thí điểm tại một số nước châu Phi, bắt đầu vào năm 2019. Đến tháng 10.2021, RTS,S được WHO khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Tính đến nay, hơn 1 triệu trẻ em châu Phi đã được tiêm RTS,S. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy vắc xin sốt rét này chỉ hiệu quả khoảng 60% và suy giảm mạnh khả năng bảo vệ theo thời gian, ngay cả khi tiêm liều tăng cường.
Bình luận (0)