Nhà vườn từ chối nhận tiền đặt cọc
Quả vải mới to bằng đầu đũa nhưng các nhà vườn trồng vải chín sớm tại H.Tân Yên (Bắc Giang) đã đón nhiều doanh nghiệp, các mỏ cân đến khảo sát, nắm sản lượng.
Ông Ngô Văn Cường, chủ vườn vải thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, thành viên Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải sớm xã Phúc Hòa (H.Tân Yên), cho biết chưa khi nào thấy doanh nghiệp, các mỏ cân thăm vườn sớm như năm nay. Quả vải mới to bằng đầu đũa nhưng doanh nghiệp đã khảo sát, đặt vấn đề thu mua.
Theo ông Cường, vùng vải chín sớm ở địa phương may mắn không mất mùa nặng như vải thiều ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn. Đó cũng là lý do khiến doanh nghiệp, mỏ cân đổ dồn về Tân Yên khảo sát sớm cả tháng so với những năm trước đây. "Năm 2023, sản lượng đạt 150 tấn, bán hết cho một doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản. Còn năm nay vẫn chưa thể ước tính sản lượng, nhưng có thêm doanh nghiệp xuất khẩu đi Úc, Mỹ đến khảo sát", ông Cường nói.
Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng phòng Nông nghiệp H.Tân Yên, cho hay đến thời điểm này, sản lượng vải chín sớm mất mùa không đáng kể, chỉ khoảng hơn 1.000 tấn. Toàn huyện vẫn có khoảng 14.000 tấn.
"Đúng là chưa năm nào doanh nghiệp đi vườn vải sớm và có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến vải Tân Yên như năm nay. Chúng tôi đã đón 3 đoàn từ Anh, Mỹ. Các doanh nghiệp trong nước, các mỏ cân đi vườn thì nhiều. Dự báo tiêu thụ vải năm nay của huyện rất sôi động", ông Tuyển nhìn nhận.
Chia sẻ với Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp tại Hải Dương chuyên thu mua vải xuất khẩu đi Úc, Nhật Bản cho biết, khoảng 2 tuần gần đây đã cho nhân viên khảo sát các vùng nguyên liệu tại Hải Dương, Bắc Giang. Vấn đề "đau đầu" nhất của doanh nghiệp là chưa thể chốt được giá thu mua đầu vụ với các nhà vườn nên chưa thể đàm phán giá với các đối tác nhập khẩu.
"Những năm trước, chúng tôi ký hợp đồng ngay từ đầu vụ giá 30.000 đồng/kg nhưng năm nay dù liên tục giục ký hợp đồng, đặt cọc trước mà nhiều nhà vườn không mặn mà nhận tiền", vị giám đốc ở Hải Dương cho hay.
Đối tác khó chấp nhận giá cao
Đi thăm các vườn vải tại H.Tân Yên, bà Amy Nguyễn, đại diện Công ty Dragon Berry Produce - doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vải thiều vào Mỹ, thông tin trái vải Việt Nam ở thị trường này được người tiêu dùng đặc biệt yêu thích, đánh giá chất lượng "ngon xuất sắc", vượt trội cho với vải trồng ở Mexico, Trung Quốc. Năm 2024, doanh nghiệp này muốn nhập khẩu vải nhiều hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ nên cử đại diện sang Việt Nam kiểm tra các vùng trồng.
"Nhiều vườn vải mất mùa, chúng tôi chưa biết có thể nhập khẩu được bao nhiêu container, có đủ khối lượng vải lớn như mình mong muốn hay không", bà Amy Nguyễn nói.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), lo lắng: "Năm 2019, vải thiều Lục Ngạn mất mùa, giá đưa vào chế biến hơn 30.000 đồng/kg, vải tươi xuất khẩu lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg. Năm nay vải mất mùa nặng hơn năm 2019, giảm 50% sản lượng so với năm 2023 thì chưa biết giá sẽ lên cao đến mức nào".
Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu có khách hàng cố định hàng năm, mỗi năm thu mua trên 3.000 tấn vừa xuất khẩu quả tươi đi Nhật Bản, vừa đưa vào xoáy cùi, chế biến vải đóng hộp. Giá bán cho đối tác có chênh lệch lên xuống nhưng tỷ lệ không nhiều. Bà Nhâm nói: "Năm nay không chỉ lo mua đủ sản lượng, giá cũng chưa xác định lên mức bao nhiêu, nếu đội lên gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái thì e rằng các đối tác sẽ khó chấp nhận".
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, sản lượng vải đạt trên 201.000 tấn, tổng doanh thu đạt trên 6.800 tỉ đồng. Năm nay, nhiều vùng trồng vải bị mất mùa, sản lượng ước tính trên dưới 100.000 tấn, nhưng địa phương này vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải như mọi năm. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm ở H.Tân Yên, đầu tháng 6 sẽ xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều ở H.Lục Ngạn.
"Bắc Giang vẫn duy trì tổ chức hội nghị trực tuyến với phía Trung Quốc thống nhất các phương án xuất khẩu với nước bạn, đồng thời đặt mục tiêu tăng xuất khẩu đến các thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, Úc…, mở rộng tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử", ông Tấn khẳng định.
Điểm mới trong năm nay ở Bắc Giang là Sở Công thương, Sở VH-TT-DL, Sở NN-PTNT cùng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải, các loại nông sản chủ lực khác, kết hợp quảng bá mô hình du lịch sinh thái gắn với vùng trồng vải, tiến tới hình thành các tour tuyến cố định đưa khách du lịch đến thăm quan nhằm gia tăng giá trị cho người trồng vải.
"Sản lượng có sụt giảm nhưng với nhiều giải pháp đang triển khai, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ vải năm nay sẽ thành công, phấn đấu tổng thu bằng năm 2023", ông Tấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)