Xuất khẩu giảm, nông dân trồng vải Bắc Giang vẫn đút túi hơn 4.411 tỉ đồng

26/07/2022 10:24 GMT+7

Sản lượng xuất khẩu vải sụt giảm so với mùa vụ năm 2021 nhưng mùa vụ năm nay, nông dân trồng vải Bắc Giang vẫn có doanh thu trên 4.411 tỉ đồng.

Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết đến ngày 25.7, các vùng trồng vải cơ bản kết thúc mùa vụ sản xuất và tiêu thụ vải năm 2022. Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được 199.567 tấn.

Sản lượng vải được tiêu thụ trong nước năm nay vẫn chiếm ưu thế vượt trội với 123.589 tấn; sản lượng xuất khẩu đạt 75.978 tấn, sụt giảm gần 14.000 tấn so với mùa vụ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu vải lớn nhất của Việt Nam.

Nông dân trồng vải ở Bắc Giang bội thu trong mùa vụ 2022

Hoàng PHan

Cũng theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, mùa vụ tiêu thụ vải thiều năm nay diễn ra tương đối thuận lợi, không có tình trạng vải xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu. Giá vải bình quân năm 2022 đạt 22.100 đồng/kg, cao hơn so với năm 2021 là 19.800 đồng.

Theo đó, nông dân trồng vải Bắc Giang đạt doanh thu trên 4.441 tỉ đồng, cao hơn 200 tỉ đồng so với mùa vụ năm 2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ cho quả vải như đá cây, thùng xốp, rổ nhựa… đạt 2.374 tỉ đồng.

Diện tích trồng vải tăng nhanh, lo tái diễn trồng - chặt

Những năm gần đây, giá bán vải ổn định, nông dân có thu nhập cao khiến cây trồng này có diện tích tăng nhanh, nguy cơ tái diễn tình trạng "trồng - chặt" trong những năm tới.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, trong năm 2020, Bắc Giang chỉ có trên 28.100 ha trồng vải thì đến năm 2021 đã tăng lên gần 29.700 ha, đa phần là giống vải chín sớm trồng ở 4 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân khiến vải tăng nhanh ngoài lý do thị trường ổn định, vải được giá thì nhiều diện tích trồng cam, bưởi trước đây, sau một thời gian dài khiến đất bị ô nhiễm, nên nông dân ồ ạt chuyển sang trồng vải.

Bên cạnh đó, các địa phương buông lỏng quản lý giám sát, quản lý để người dân tự ý chuyển đổi cây trồng không theo quy hoạch, định hướng về thị trường. Diện tích trồng vải tăng nhanh với các giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường sẽ là rủi ro lớn về chất lượng sản phẩm, đầu ra tiêu thụ.

Chia sẻ về thực trạng diện tích trồng vải đang tăng nhanh, ông Lê Bá Thánh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết dù cây vải vẫn còn dư địa để phát triển nhưng việc tăng diện tích phải theo lộ trình, gắn với đầu ra tiêu thụ.

Cũng theo ông Thành, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục rà soát thống kê toàn bộ diện tích vải; khảo sát điều kiện tự nhiên để khuyến cáo người dân không trồng ở nơi chất lượng đất không phù hợp.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về tư vấn khoa học công nghệ, kỹ thuật chăm sóc chỉ ưu tiên cho những vùng sản xuất theo quy hoạch, vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn và đang thực hiện liên kết với doanh nghiệp.

Vải đạt chuẩn VietGap, GlobalGap ở mức thấp

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Giang, diện tích vải thiều trồng đạt các tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap để tiêu thụ vào các chuỗi bán lẻ trong nước và tạo nguồn nguyên liệu đều ở mức thấp.

Năm 2022, diện tích vải đạt chuẩn VietGap chỉ có trên 15.500 ha, tăng 700 ha so với năm ngoái. Còn loại vải được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì chỉ có 340 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.