Ngày 6.3.2024, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm vì gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng.
Phiên tòa tiếp tục với phần luận tội của đại diện Viện KSND TP.HCM.
Vai trò của hơn 1.000 công ty ‘ma’ trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty "ma" được bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập để đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần, lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM).
Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (còn gọi là hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê và nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Cụ thể, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty cổ phần đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Nhóm các công ty được gọi công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.
Nhóm mạng lưới công ty tại nước ngoài được bị cáo Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Ai đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan 'hô biến' SCB thành công cụ tài chính?
Cáo trạng thể hiện, về mặt pháp lý, SCB và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập, nhưng về bản chất các pháp nhân này được bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của các công ty khác, chỉ định người thân quen hoặc thuê, nhờ các cá nhân khác đứng tên hộ. Do vậy, các pháp nhân đều thuộc sở hữu và chịu sự điều hành của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trong thời gian từ ngày 1.1.2012 đến tháng 10.2022 (hơn 10 năm), bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các cá nhân là cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nhiều hành vi sai phạm để thao túng SCB, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản.
Với các hành vi vi phạm của mình, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thiệt hại của SCB khoảng 498.000 tỉ đồng. Đây được xác định là số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.
Xem nhanh 12h ngày 6.3: Vợ chồng Trương Mỹ Lan ‘rút ruột’ SCB ra sao | Giá vàng tăng như vũ bão
Bình luận (0)