Văn bản cuối cùng Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký cho công trình lịch sử

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/11/2022 16:04 GMT+7

Đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn công nghiệp hóa, hay xa lộ Bắc - Nam), huyết mạch lưu thông xuất phát từ ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi vào vận hành hiệu quả, mang đậm tính quyết liệt và dấu ấn của ông.

Hoàn thành các tuyến đường Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long), đầu xuân năm 1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) tiếp tục đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải cần phải khảo sát lập dự án xây dựng xa lộ Bắc - Nam.

Thủ tướng cho rằng: “Đường Trường Sơn năm xưa góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì đường Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường của thời đại công nghiệp hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự liên hệ máu thịt giữa hai miền Nam - Bắc”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công trường xây dựng đường dây 500KV đoạn đi qua Tây Nguyên

NGUYỄN CÔNG THÀNH

Văn bản cuối cùng ký sau sáu năm giữ chức Thủ tướng Chính phủ

Trong cuốn sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt (do NXB Trẻ vừa ấn hành) kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022), tác giả Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long viết: "Sau khi các chuyên gia đi khảo sát thực địa, thì trình lên hai phương án: Đường phía Đông và đường phía Tây. Phương án xây dựng đường phía Đông không hợp lý. Vì địa hình đi dọc theo đồng bằng duyên hải, đất thấp, muốn vượt lũ phải tôn cho đủ chiều cao, tốn khối lượng đất lớn, diện tích lúa nước bị chiếm dụng lớn, ảnh hưởng tới sản lượng lương thực... đó là chưa kể đến khi giải tỏa khu dân cư, số tiền đền bù ngang với kinh phí làm đường”.

Vì vậy mà phương án xây dựng đường phía Tây có nhiều ưu điểm hơn khi 90% chiều dài hiện hữu chưa được phân cấp thuộc loại đường nào. Nhiều năm qua chưa có đầu tư, có tới 70% tuyến đường chạy dọc theo đường Trường Sơn trong chiến tranh, nay không đi lại được nên bị bỏ hoang...

Lý do thuyết phục nữa là vùng đất phía Tây có tiềm năng lớn với hàng chục triệu hécta đất lâm nghiệp, nhiều tài nguyên phong phú, trong 10 triệu dân có 70% là đồng bào dân tộc, những người hết lòng theo cách mạng. Mở đường phía Tây chẳng những giải được bài toán kinh tế, mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sở tại.

Sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt của tác giả Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Công trình này lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều người có tư duy cục bộ, tầm nhìn thiển cận, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy cái lợi về sau. Chuyện hưởng thụ từ kết quả công trình thì ai cũng muốn, nhưng khi góp ý để tìm giải pháp sao cho hiệu quả thì không mặn mà.

Bác Sáu Dân với các doanh nhân TP.HCM

T.L

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe hết ý kiến nhiều chiều, ông đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên đại diện cho các Bộ, Ngành như Bộ Quốc phòng: Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Xuyên; Bộ Xây dựng: Thứ trưởng Nguyễn Hồng Quân; Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Giáo sư, Thứ trưởng Chu Hảo... Giáo sư Đỗ Quốc Sam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định dự án.

"Cũng tại nơi đây, khi người dân đau ốm, muốn đi chữa trị rất khó khăn, muốn “xem vô tuyến” cũng phải đi hàng giờ mới tới điểm đóng quân của bộ đội biên phòng “xem nhờ” văn nghệ, tin tức. Theo đồng chí Võ Văn Kiệt: “Không có đường sá thì mức sống của đồng bào rất thấp, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Không có đường thì văn minh bao giờ mới “bò” được tới đây. Hòa bình gần 30 năm rồi, mà hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người, là có đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, mà đến giờ hàng triệu đồng bào vẫn còn phải mong ước”, cuốn sách vừa ấn hành cho biết thêm.

Ngày 24.9.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc - Nam với điểm đầu tại Hòa Lạc (Hà Tây, nay là Hà Nội), điểm cuối tại ngã tư Bình Phước, tổng chiều dài xấp xỉ 1.800 km, cơ bản bám theo hướng của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13 và đây là văn bản cuối cùng mà đồng chí ký trong sáu năm giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 8.1998 dự án được Bộ Chính trị thông qua và chính thức đặt tên là đường Hồ Chí Minh. Bước đầu con đường sẽ đi từ thủ đô Hà Nội đến TP.HCM, và sau đó sẽ nối lên phía Bắc và xuống phía Nam. Hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ phát huy hiệu quả, một công trình lịch sử làm nên mang đậm dấu ấn vị thủ tướng trọn đời vì nước, vì dân.

Nhằm tri ân và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022)” gồm 01 mẫu tem giá mặt 4.000đ

CÔNG TY TEM VIỆT NAM

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặc biệt quý trọng các chuyên gia từ Cuba sang giúp giám sát toàn tuyến công trình, hoan nghênh tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của các chuyên gia Cuba, cũng như các nhà khoa học, các công nhân lao động Việt Nam, vì để làm được những cây số đường, những thước cầu, họ đã đổ biết bao mồ hôi và công sức. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần đến thăm đường Hồ Chí Minh cũng như tỉnh Nghệ An, thăm tuyến đường 130km đường Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh Nghệ An. Tại đây đường xây dựng đến đâu thì làng thanh niên lập nghiệp phát triển đến đấy. Vườn cây ăn trái sum xuê xanh tươi. Nhà máy trà, nhà máy đường, nhà máy chế biến hàng xuất khẩu mọc lên, vùng quê nhanh chóng thay da đổi thịt", tác giả Nguyễn Chiến Thắng tiết lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.