Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn được nhận xét là “người năng động sáng tạo”, cũng có ý kiến khẳng định ông là “vị thủ tướng trọn đời vì nước, vì dân”.
Với tập sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt vừa ấn hành, tác giả Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long đã chắt lọc tỉ mỉ những điểm sáng độc đáo về cuộc đời, tài năng, phẩm cách mà ông xem như là chất ngọc quý, để phác họa chân dung và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua tác phẩm mới của mình.
Mặc dù bận rộn nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành nhiều thời gian đến với những công trường xây dựng lịch sử của đất nước |
t.l |
Phát huy thế mạnh của vùng duyên hải miền Trung
Ai cũng biết rằng, thời kỳ chuẩn bị cho xây dựng nhà máy Dung Quất thì ngành dầu khí thì thềm lục địa nước ta có nhiều dầu mỏ với trữ lượng lớn. Từ khi khai thác mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, nước ta chỉ xuất khẩu dầu thô giá rẻ, trong khi hằng năm phải nhập khối lượng dầu rất lớn.
Việc xây dựng nhà máy lọc dầu để có được các sản phẩm như dầu hỏa, benzen, xăng, sáp parafin, nhựa đường, dầu diesel, khí đốt... là cần thiết. Nhà máy lọc dầu ra đời sẽ hút vốn đầu tư, đào tạo tay nghề, tạo ra việc làm, từ đó nâng cao đời sống của cư dân trong vùng.
Khi ấy không hiểu sao sau khi tìm hiểu kỹ thì Total, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp rút lui nên có nhiều ý kiến phản đối quyết liệt. Một số người ban đầu vào việc thì nhất trí tán thành, rồi sau đó...quay xe. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói thẳng thừng: “Nếu tôi là công ty Total, tôi cũng nói như Total, vì đây là quyền lợi của họ, nhưng tôi là Thủ tướng Chính phủ, tôi phải nói và quyết định theo quyền lợi của nhân dân”.
Sách đã dẫn cho biết: “Câu hỏi lúc đó đặt ra là nên xây dựng nhà máy ở đâu?. Ở Dung Quất hay ở Tuy Hạ, địa điểm gần Đồng Nai và TP.HCM, nơi gắn với các khu công nghiệp?. Nơi đặt vị trí nhà máy lọc dầu đòi hỏi nguồn nước ngọt phục vụ cho lọc dầu, phải có cảng nước sâu để nhập nguyên liệu và vận chuyển dầu đi các nơi khác?. Vấn đề cuối cùng là khu nhà máy có gắn với khu dân cư hay không?. Trước khi ra quyết định, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ ban ngành đi khảo sát nhiều nơi, nơi được đặc biệt quan tâm là Quảng Ngãi, mà cụ thể là vùng đất Dung Quất”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết liệt: “Giờ đây, chúng ta phải ra sức phát huy thế mạnh của vùng duyên hải miền Trung, xây dựng và phát triển kinh tế vùng duyên hải vững mạnh, để làm tiền đề cho công cuộc xây dựng và phát triển Tây Nguyên”. Vì dọc theo duyên hải miền Trung, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nằm trong hệ thống khu công nghiệp kéo dài từ Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong, Nam Phú Yên, Cà Ná, Nam Bình Thuận...
Vì vậy sau khi khảo sát, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt bút ký quyết định, Thủ tướng nói: “Ai cũng biết tỉnh Quảng Ngãi rất nghèo, nếu ta xây dựng khu công nghiệp Dung Quất sẽ giúp tỉnh Quảng Ngãi trở thành giàu có”. Điều đáng chú ý là Thủ tướng nói xây dựng khu công nghiệp Dung Quất chứ không phải nói nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Vì nhà máy này không chỉ làm ra xăng dầu, mà nó còn sản xuất ra mấy chục sản phẩm công nghiệp khác. Nếu việc xây dựng khu công nghiệp Dung Quất đưa tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận phát triển, thì sẽ phát huy hiệu quả rất lớn. Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tầm nhìn cả về kinh tế lẫn chính trị, trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7.1995) |
T.L |
Được biết, khu công nghiệp Dung Quất có diện tích trên 13.000 ha, trong đó có nhiều ngành công nghiệp quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất (có người gọi là Cảng Mỹ Hàn), sân bay Chu Lai, nhà máy lọc dầu Dung Quất... sau khi được xây dựng, khu công nghiệp Dung Quất sẽ trở thành khu công nghiệp hiện đại của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa về kinh tế lẫn quốc phòng.
Và rồi đúng như dự kiến, chỉ 44 tháng sau nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt Chính phủ, và nhiều tháng chạy thử an toàn, đến ngày 22.2.2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên và chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người cắt băng khánh thành công trình đầy tâm huyết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (thứ hai từ phải qua) trong một chuyến công tác |
t.l |
Từ tháng 8.2009, theo số liệu đã công bố mỗi tháng nhà máy sản xuất 150 ngàn tấn xăng, 240 ngàn tấn dầu diesel, 23 ngàn tấn khí hóa lỏng LPG, 8 ngàn tấn roylene, 30 ngàn tấn xăng máy bay và 25 ngàn tấn dầu FO.
“Nhân dịp khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiều ngày 22.2.2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố việc đặt tên đường Võ Văn Kiệt để ghi nhớ công lao người đặt nền móng cho Quảng Ngãi cất cánh, gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt đã được mời đến dự và TP.Vạn Tường tương lai sẽ có bức tượng ghi nhớ công ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, tác giả Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm thông tin về "hậu trường" công trình này. (Còn tiếp).
Bình luận (0)