Như Thanh Niên đã thông tin, Phó tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang chiều 18.5 cho biết tại phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thông qua Nghị quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc cũ sẽ được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 (thực hiện vào đầu năm 2021).
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Trường Giang, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI (chỉ số giá tiêu dùng. PV). Thực tế, từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%.
Cần thêm chính sách hợp lý
Nhiều bạn đọc (BĐ) đồng tình với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan, như mức giảm trừ gia cảnh tăng lên “vẫn thấp” so với mức sống, nhất là ở các đô thị lớn, giá cả hàng hóa cao... khiến người lao động đời sống còn chật vật, tích lũy cho các nhu cầu thiết yếu rất thấp… BĐ Hac Cam chia sẻ: “Tính sơ sơ từ 2013 đến giờ, giá nhà đất tăng 10 lần; tiền thuê nhà tăng 4 - 5 lần; tiền chợ tăng cũng tầm 3 lần. Tôi là người đang đóng thuế TNCN tương đối nhiều và 10 năm đi làm vẫn ở nhà thuê chưa mua được nhà. Làm bao lâu để được ít nhất 2 - 3 tỉ đồng để có căn hộ chung cư đây?”.
Trong khi đó, BĐ Tạ Nguyễn Quang Triều đặt vấn đề: “Tôi làm công việc lập trình, lương trên 3.000 USD/tháng; đóng góp thuế TNCN mỗi tháng hơn 14 triệu đồng; thưởng tết thì bị trừ năm nào cũng hơn 80 triệu đồng, nhưng đổi lại được gì...? Cần thay đổi lại chính sách ưu tiên người đóng thuế TNCN cao, hoặc áp dụng chính sách hoàn thuế TNCN cho việc chi tiêu cá nhân, như: mua nhà, mua xe... vì quá nhiều gánh nặng cho chính bản thân và gia đình người đóng thuế TNCN”.
Quá “hiền” với một số người có thu nhập “khủng”
Vấn đề “bất bình đẳng” trong việc thu thuế TNCN cũng được nhiều BĐ phản ánh. Theo BĐ, do lỗ hổng trong quản lý thu nhập, khiến sắc thuế TNCN chủ yếu “nắm người có tóc” - tức người làm công ăn lương, cán bộ công chức, viên chức; người được trả thu nhập qua tài khoản ngân hàng... Trong khi đó, những đối tượng khác có thu nhập “khủng” như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ... lại khó xác minh, khó thu thuế. BĐ Ho Ca viết: “Báo chí đăng hà rầm người mẫu này mua nhà mấy chục tỉ, diễn viên kia tậu xe cả chục tỉ, ca sĩ nọ một show đã mấy ngàn đô la Mỹ... Họ có nghiêm túc đóng thuế đầy đủ không? Trong khi người làm công ăn lương, trả lương qua ngân hàng, thì đóng không sót đồng nào...”.
BĐ Võ Tình đặt câu hỏi: “Sao ngành thuế còn quá “hiền” với những đối tượng có nguồn thu nhập “khủng” bên ngoài, như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ... mà quá “kỹ” với những người làm công ăn lương?”. Câu hỏi này được BĐ Nguyễn Hoài “luận giải”: “Vì những người làm công ăn lương, công chức, viên chức... trả lương qua ngân hàng. Nói chung là “có sẵn”, rất dễ quản lý. Còn các đối tượng kia thì thu nhập “khủng” từ nhiều nguồn, rất khó biết, khó quản lý; muốn làm được phải tốn rất nhiều công sức và thời giờ. Nhưng tôi nghĩ, khó đến mấy cũng phải làm cho bằng được. Vì đó là trách nhiệm của ngành thuế”. Còn theo BĐ Văn Thanh, phải kiểm soát được thu nhập của những ca sĩ, người mẫu, YouTuber nổi tiếng, người kinh doanh qua mạng... để họ thực hiện nghĩa vụ của mình đầy đủ. Nếu ai không chấp hành thì phạt nặng rồi đăng báo...
Làm sao để TNCN là nguồn thu quan trọng của ngân sách và luôn đảm bảo được sự “công bằng và bền vững”.
Trinh Cuong
Nhà nước cần thiết đưa ra chính sách, giải pháp để người đóng thuế hiểu được việc đóng thuế là nhằm phục vụ tốt hơn cho an sinh xã hội.
Phạm Đình Hùng
|
Bình luận (0)