Ngay sau khi tiếp quản ghế lãnh đạo Hàn Quốc vào tháng 5.2017, Tổng thống Moon nỗ lực thúc đẩy cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên thông qua đối thoại, đồng thời theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng hơn. Đến đầu năm 2018, sau một giai đoạn vô cùng căng thẳng, ông đã nhận được phản hồi tích cực từ Bình Nhưỡng. Quyết tâm của ông Moon gặt hái nhiều bước tiến đáng kể và dấu ấn lớn nhất là cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 4.
Khó lường
Hiểu rõ một mình không thể thay đổi toàn bộ cục diện, Hàn Quốc đã nỗ lực làm trung gian để Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Xanh phải chơi một canh bạc lớn khi cả lãnh đạo Kim Jong-un lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump đều hết sức khó đoán và ý định thực sự của cả hai bên vẫn là những dấu hỏi chưa có lời đáp. Về phía Triều Tiên, Reuters dẫn lời cựu cố vấn về châu Á dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Jeff Bader cho rằng ông Kim tạm thời sẽ tránh “những hành động gây hấn quá mức” để tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc, một phần cũng có thể nhằm tác động vào quan hệ đồng minh Washington - Seoul. Nhiều nhà quan sát cũng nhận định Triều Tiên không dễ gì từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ý định hòa dịu với Seoul được cho là khá rõ ràng, nhưng Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực nên khi dọa hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, miền Bắc nhấn mạnh việc Mỹ - Hàn tập trận là “sự khiêu khích”.
tin liên quan
Có gì trong USB Tổng thống Moon trao tay lãnh đạo Kim?Tiến thoái lưỡng nan
Bên cạnh đó, Tổng thống Moon đang đứng trước bài toán “được ăn cả, ngã về không” và quan hệ thân thiện của ông với lãnh đạo Kim có thể là con dao hai lưỡi. Nếu đối thoại Mỹ - Triều mang lại kết quả tích cực, đó sẽ là thành công lớn cho Hàn Quốc. Ngược lại, ông Moon sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu Seoul đứng về phía Washington, miền Bắc sẽ quay về chính sách đối đầu như trước giống cảnh báo trong bài xã luận đăng trên tờ Rodong Sinmun hôm 28.5. Trong khi đó, nếu tỏ ý bênh vực Triều Tiên, Tổng thống Moon có thể bị Mỹ coi là “kẻ ngáng đường” trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn cần sự bảo vệ của đồng minh. Ngoài ra, nội bộ Hàn Quốc cũng chưa thống nhất lập trường về Triều Tiên nên đến nay Quốc hội nước này vẫn chưa thể thông qua tuyên bố Bàn Môn Điếm được ông Moon và ông Kim ký kết hồi tháng 4. Có thể nói ông Moon hiện như đang đi trên dây giữa 2 biện pháp đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc, một là quyền lực cứng với sức mạnh quân sự Mỹ, hai là quyền lực mềm hướng tới hòa ước với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, chính sách ngoại giao con thoi của nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho đến nay đã thể hiện hiệu quả bước đầu khi tạo động lực để cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vào cuộc. Tuy nhiên, ván cờ vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ bị cho “ra rìa”. Đó có thể là lý do khiến Nhà Xanh bắn tín hiệu rằng Tổng thống Moon sẽ tới Singapore vào tháng 6 để dự thượng đỉnh 3 bên với Mỹ và Triều Tiên, hoặc hướng tới một cuộc chơi 4 bên có cả Trung Quốc như trong tuyên bố Bàn Môn Điếm. Nói cách khác, mọi thỏa thuận đều phải có sự hiện diện của Hàn Quốc nếu như nước này không muốn bị đẩy vào thế bất lợi.
CIA đoán Triều Tiên sẽ cho mở nhà hàng Mỹ
Đài NBC News hôm qua dẫn một báo cáo mới bị rò rỉ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đánh giá Triều Tiên sẽ không từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, tuy nhiên Bình Nhưỡng có thể đưa ra một số đề xuất để thể hiện thiện chí với Washington. Báo cáo được gửi đến các quan chức cấp cao Washington dự đoán nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể cho phép mở nhà hàng thức ăn nhanh theo mô hình nhượng quyền của Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng, một bước đi nhằm hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài.
|
Bình luận (0)