Vẫn còn đoạn đường dài, đầy khó khăn cho 'Made in USA'

19/04/2017 14:55 GMT+7

Di chuyển cơ sở sản xuất, lắp ráp ở nước ngoài về lại bản địa có thể sẽ là một chuyến đi dài, đầy thách thức cho các doanh nghiệp Mỹ trong hành trình đóng dấu 'Made in USA' lên sản phẩm của mình.

Nhà sản xuất xe Monster Moto đã đặt cược tương lai của mình vào chính quyền mới của Mỹ khi chuyển dời cơ cở sản xuất từ Trung Quốc về một thị trấn tại bang Louisana (Mỹ). Tuy nhiên, quyết định này cũng đồng nghĩa với việc Monster Moto sẽ phải ngay lập tức đối mặt với sự thiếu hụt chuỗi cung ứng sản xuất các bộ phận của khung xe máy và động cơ vốn được mua trực tiếp từ Đại lục.
“Hiện tại chúng tôi chưa có cách nào để tìm được nguồn cung cấp các bộ phận sản xuất ngay trên đất Mỹ. Nhưng bằng cách tiên phong chuyển về đây, chúng tôi tin rằng các công ty khác sẽ đi theo và nhà cung cấp nguyên liệu cuối cùng rồi cũng sẽ xuất hiện”, ông Alex Keechle, Giám đốc điều hành Monster Moto, cho biết.
Theo Reuters, kinh nghiệm của Monster Moto là ví dụ điển hình về những trở ngại mà các công ty Mỹ gặp phải khi họ, cùng với Tổng thống Donald Trump, đang cố gắng xây dựng lại nền kinh tế sản xuất của xứ cờ hoa. Đặc biệt, nếu dự luật về thuế biên giới của ông Trump đối với hàng nhập khẩu trở thành luật chính thức, các hãng sản xuất Mỹ cũng như các nhà cung cấp của họ sẽ phải đối mặt với sự chuyển đổi về lại đất Mỹ đầy tốn kém khi đã đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy ở nước ngoài.
Cindi Marsiglio, Phó chủ tịch phụ trách sản xuất và tìm nguồn cung ứng của Wal-Mart ở thị trường Mỹ, cho biết hiện tại việc tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên vật liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là “một trong những thách thức hàng đầu”. Hơn nữa, định mức giá cho sản phẩm cũng là bài toán khó được đặt ra cho các doanh nghiệp nước này vì dựa trên kinh nghiệm cho thấy thói quen mua sắm của người Mỹ có giới hạn, đặc biệt khi nói đến giá cả.
“Người tiêu dùng sẽ không rộng rãi chi tiêu chỉ vì bạn dán nhãn “Made in USA” trên bao bì. Bạn phải duy trì mức giá cạnh tranh nếu không khách hàng sẽ quay sang mua hàng hóa có mức giá thấp hơn của các đối thủ từ Trung Quốc”, ông Keechle nói.
Được biết Wal-Mart đã hợp tác với Monster Moto và một số công ty trong nước khác để thúc đẩy chi tiêu cho hàng hóa của Mỹ lên mức 250 tỉ USD vào năm 2023, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hóa được sản xuất nội địa.
Song theo dõi chặt chẽ chi phí nhân công trong nhà máy là một điều mà các nhà sản xuất Mỹ có thể kiểm soát. Họ nhìn thấy tương lai của việc thay thế các lao động có tay nghề thấp bằng các robot trên dây chuyền lắp ráp. Và điều này đang được đánh giá là con đường duy nhất để các công ty xứ cờ hoa có thể nâng mức cạnh tranh về chi phí và biến lời hứa làm “sống lại những ngày vinh quang cho nền kinh tế sản xuất tại Mỹ” của Tổng thống Trump thành hiện thực.
“Hình như các nhà lãnh đạo đất nước nghĩ rằng tất cả những gì họ cần làm để tái cấu trúc nền sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước chỉ là rút phích cắm điện ở một phần nào đó của thế giới, sau đó cắm nó vào Mỹ và rồi mọi thứ sẽ lại chạy trơn tru. Nhưng thực sự đây là hành trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian hơn thế rất nhiều. Và một trong những cách khả thi nhất để kế hoạch này hoạt động được tại đây là dùng đến người máy”, David Abney, Giám đốc điều hành của công ty vận chuyển hàng hóa United Parcel Service, cho hay.
Theo Reuters, xu hướng tự động hóa lao động đã được thể hiện trong dữ liệu do Viện Chính sách kinh tế Mỹ thực hiện. Rob Scott, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho biết nước Mỹ không chỉ mất 85.000 nhà máy trong giai đoạn 1997 - 2014, mà số lượng lao động trung bình của một nhà máy tại đây cũng giảm 14% trong thời gian trên. Phần lớn sự suy giảm này là do tự động hóa.
“Chúng ta sẽ thấy tự động hóa ngày càng nhiều hơn ở đất nước này vì nó đòi hỏi chi phí thấp hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cho các công ty. Bạn có thể mất nhiều thời gian để than phiền, nhưng điều này sẽ không thay đổi trong tương lai”, Hal Sirkin, Giám đốc điều hành của Boston Consulting Group, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.