Vẫn còn kẽ hở đầu cơ vàng

18/07/2013 11:05 GMT+7

“Siết” quy định về vàng đối với 22 ngân hàng thương mại nhưng lại bỏ qua 16 doanh nghiệp - theo nhiều chuyên gia - quy định này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn để chống đầu cơ vàng.

"Siết" ngân hàng

Thời gian qua, cùng với việc ban hành một loạt chính sách nhằm chấm dứt huy động cho vay vàng, độc quyền vàng miếng SJC, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ vàng, Ngân hàng Nhà nước (NNHN) đã quy định 22 tổ chức tín dụng có nghiệp vụ kinh doanh vàng miếng kể từ đầu năm 2013 phải duy trì trạng thái vàng cuối ngày không vượt quá 2% so với vốn tự có, và không được duy trì trạng thái vàng âm (Thông tư 38/2012/TT-NHNN).

 Nhu cầu của người dân hiện ước chừng hơn 26.000 lượng mỗi ngày
Nhu cầu của người dân hiện ước chừng hơn 26.000 lượng mỗi ngày - Ảnh: Anh Vũ

Trạng thái vàng này được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc, tính trên cơ sở doanh số mua bán vàng miếng giao ngay, bao gồm cả cam kết mua, bán vàng miếng giao ngay ngoại bảng. Mục tiêu chính của công cụ kỹ thuật này, theo lãnh đạo NHNN nhằm hạn chế việc các tổ chức tín dụng nắm giữ vàng quá nhiều, gây mất rủi ro thanh khoản. Đồng thời để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi găm giữ vàng của các ngân hàng (NH), đầu cơ làm giá gây cung - cầu giả tạo trên thị trường hòng trục lợi.

 Rào cản 2% trên vốn tự có về trạng thái vàng này thực sự là “đòn giáng” khá mạnh vào mục đích kinh doanh, kiếm lời từ vàng của các NH, đặc biệt các NH vốn có thế mạnh lâu nay về vàng. Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một NH cổ phần tại Hà Nội tính toán, với số vốn tự có của một NH vào khoảng 10.000 tỉ đồng, trạng thái vàng cuối ngày của NH chỉ có thể duy trì được ở mức 200 tỉ đồng. Giả dụ giá vàng ở mức khoảng 37 triệu đồng/lượng, số lượng vàng NH có thể nắm giữ tương đương hơn 5.400 lượng. Với các NH nhỏ thì lượng vàng nắm giữ càng ít đi. Như vậy khả năng một NH nào đó “ôm” vàng, tạo khan hiếm giả tạo về nguồn cung khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh giá vàng biến động thất thường như hiện nay, rủi ro do giá xuống, bị lỗ cũng rất lớn.

Một lãnh đạo cấp cao của NHNN cũng khẳng định, hiện nay các lực lượng muốn đầu cơ, thổi giá vàng không hề dễ dàng, bởi ngoài trạng thái vàng bị khống chế như trên, với hơn 30 đơn vị tham gia thị trường, rất khó để các thành viên này “bắt tay” thổi giá. Bên cạnh đó, theo tính toán hiện nay các NH thương mại đã hết nhu cầu tất toán vàng, hiện chỉ còn lại nhu cầu của người dân, và ước chừng nguồn cầu này khoảng 1 tấn vàng trong một ngày, tương đương hơn 26.000 lượng là quy mô không quá lớn, NHNN hoàn toàn có khả năng điều tiết, can thiệp để bình ổn.

"Lỏng" doanh nghiệp

 Dù đồng ý với NHNN về khả năng đầu cơ hiện tại là không dễ, nhưng theo một số chuyên gia điều này vẫn có thể xảy ra, đặc biệt khi mà giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới rất nhiều. Nhất là các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng lại không bị giới hạn về trạng thái.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, với bất cứ một thị trường hàng hóa nào đều luôn luôn tồn tại tình trạng đầu cơ nếu nó có khả năng sinh lời lớn. Hiện nay, với chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4-5 triệu đồng/lượng, các “tay to”, “đại gia” không thể không tính đến chuyện găm giữ, làm giá vàng để kiếm lời. “Động lực này còn lớn hơn nữa khi mà trong bối cảnh hiện nay các DN rất khó khăn, NH gần như không còn kênh đầu tư nào có thể dễ dàng sinh lời” - TS Phong bình luận.

 Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, TS Lê Đăng Doanh thừa nhận sau khi những chính sách mới được ban hành, thị trường vàng đã quy củ, trật tự hơn, tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường vàng không còn tung hoành như trước. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, ông cũng lo ngại về khả năng kiểm soát của NHNN khi có tới 16 DN kinh doanh vàng không bị áp trạng thái ngoại hối. Theo TS Doanh, với một thị trường có mạng lưới rộng khắp, đầu mối tham gia nhiều, quy mô lớn việc đầu cơ sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng riêng thị trường vàng miếng hiện nay lực cầu chỉ khoảng vài chục nghìn lượng/ngày thì chỉ cần một vài đại gia lớn “găm” vàng thì nguồn cung - cầu trên thị trường đã có những thay đổi tức thì. Muốn làm điều này, DN cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào. Và khả năng này trên thực tế là hoàn toàn có thể bởi nhiều DN kinh doanh vàng lớn hiện nay đang là cổ đông của các NH lớn.

Về hành vi lợi dụng trạng thái vàng để đầu cơ, một lãnh đạo của NHNN khẳng định, nếu có bất cứ dấu hiệu nào, NHNN sẵn sàng dùng biện pháp mạnh siết giới hạn trạng thái, lập tức cung hàng để trấn áp khả năng đầu cơ ở khối DN không bị giới hạn trạng thái. Tuy nhiên nếu NHNN bán ra, các DN cũng “đồng thanh” mua vào găm giữ, không bán ra thị trường, gây sốt nguồn cung ảo, lúc đó thì NHNN sẽ kiểm tra, xử lý bằng cách nào?

Giá vàng nội - ngoại, “vênh” nhau hơn 4 triệu đồng/lượng

Chiều 17.7, giá vàng SJC được các DN niêm yết mua vào 37,3 đến 37,5  triệu đồng/lượng và bán ra 37,6 triệu đồng/lượng. So với ngày 16.7, giá đã tăng 250.000 đến 300.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới vẫn khá ổn định khi giao dịch mua vào ở mức 1.286,46 USD/ounce và bán ra 1.286,96 USD/ounce. Hiện giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng.

Đến nay, NHNN đã tổ chức 44 phiên đấu thầu, bán ra 1.193.600 lượng trong tổng số 1.296.000 lượng chào thầu.

Anh Vũ

>> Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới giảm dần
>> Sau tất toán, vàng đấu thầu vẫn được "vét" sạch
>> Khách hàng dè dặt mua, bán vàng
>> “Ôm” vàng, có thể gặp rủi ro lớn!
>> Chen nhau vét mua vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.