Theo Thông tư số 6/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày mới đây về việc sửa đổi một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, Hội đồng Giáo sư nhà nước vẫn phải công khai lý lịch khoa học của các thành viên. Đây là một quy định gần như cũ, dù theo dự thảo đầu tiên được công bố cách đây hơn 2 tháng, thì nội dung này được đề nghị bãi bỏ.
Cụ thể, theo điểm e khoản 3 điều 7 Thông tư 04/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp thì “danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước”.
Trong dự thảo sửa đổi một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp phiên bản đầu tiên giới thiệu trên trang điện tử của Bộ GD-ĐT ngày 10.1, có nội dung: “Bãi bỏ điểm e khoản 3 điều 7”.
Sau khi dự thảo trên được công bố, một số nhà khoa học bình luận việc bãi bỏ điểm 3 khoản 3 điều 7 là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp này, ban soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi đã khôi phục nội dung điểm e khoản 3 điều 7, nhưng thay vì yêu cầu công khai tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, thì giờ yêu cầu công khai lý lịch khoa học chỉ những người là ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Nhưng nội dung sửa đổi trên tiếp tục bị dư luận các nhà khoa học phản đối.
Vì thế, trong thông tư chính thức được ban hành, Bộ GD-ĐT đã giữ lại nội dung điểm 3 khoản 3 điều 7, chỉ thay thế cụm từ “tóm tắt lý lịch khoa” học bằng cụm từ “lý lịch khoa học”.
Ngoài ra, Thông tư số 6/2020/TT-BGDĐT còn sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 04/2019/TT-BGDĐT. Theo đó, Thông tư số 6/2020/TT-BGDĐT cho phép ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư vẫn được tham gia hội đồng ngành và hội đồng cơ sở, nhưng những ứng viên này không tham gia trao đổi, thảo luận về hồ sơ của mình trong quá trình xét.
Bình luận (0)