Theo ông Tấn, sự cố với máy bay ATR-72 số hiệu B-219 do gãy trục để lắp bánh xe, dẫn tới một bánh rơi ra ngoài. Nguyên nhân gãy trục có thể do lỗi chế tạo; vật liệu mòn; quá trình khai thác có những tác động ngoại lực vượt quá mức độ cho phép dẫn đến gãy, hỏng hóc trước thời hạn; hoặc khả năng do khai thác bảo dưỡng (tuổi thọ trục càng theo quy định khoảng 20.000 lần cất hạ cánh sẽ phải mang đi bảo dưỡng).
Ông Tấn cũng cho rằng, quá trình kiểm tra của nhân viên Vietnam Airlines trước chuyến bay hoàn toàn tuân thủ theo quy trình bảo dưỡng của nhà chế tạo. Đáng chú ý, với các hiện tượng nứt nẻ, mòn của vật liệu, không thể kiểm tra bằng mắt thường mà phải qua phương pháp không phá hủy, thẩm thấu..., nên nhân viên kỹ thuật kiểm tra bằng mắt thường rất khó phát hiện ra. “Cục luôn xác định đây là sự cố nghiêm trọng phải tiến hành điều tra. Máy bay vẫn hạ cánh an toàn, lăn vào bãi đỗ, không xảy ra sự cố nguy hiểm đến hành khách thật sự là may mắn. Trong trường hợp hy hữu này, lốp không rơi vào nhà dân, gây thiệt hại về người cũng rất may mắn”, ông Tấn nói.
Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn Vietnam Airlines, cho biết đã cho khai thác trở lại đội máy bay ATR-72 từ 5 giờ ngày 22.10 sau khi ngừng lịch bay với đội máy bay này để kiểm tra sự cố vào tối 21.10. Riêng đối với càng mũi, hãng đã cùng chuyên gia nước ngoài tiến hành kiểm tra “không phá hủy” tất cả các trục (sử dụng các phương pháp kiểm tra bằng vòng xoáy, sóng âm, từ tính... không can thiệp trực tiếp đến bộ phận được kiểm tra). Trong khi đó, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến thứ hai tuần tới sẽ gửi trục máy bay bị rớt bánh sang Pháp kiểm tra.
Mai Hà - Mai Vọng
>> Vụ máy bay Vietnam Airlines bị rơi bánh: Vẫn đang tìm kiếm chiếc bánh
>> Vụ 'máy bay của Vietnam Airlines rơi bánh': Khai thác trở lại đội bay ATR-72
>> Máy bay của Vietnam Airlines rơi lốp
>> Máy bay của Vietnam Airlines bị rơi lốp
Bình luận (0)