Vấn đề nước, cát ở đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào hội nghị quốc tế

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
04/03/2024 16:49 GMT+7

Theo ban tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ 4 về "Ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường", nhiều khu vực trong đồng bằng sông Cửu Long bị ô nhiễm muối biển và lượng nước, cát bị giảm...

Sáng 4.3, hội nghị quốc tế lần thứ 4 về "Ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường" đã khai mạc tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ 19 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị này do Hội Hóa học và độc học môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường đại học Auburn (Mỹ), Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE phối hợp tổ chức.

Vấn đề nước, cát ở đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào hội nghị quốc tế- Ảnh 1.

Nhiều đại biểu trẻ tuổi tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về "Ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường"

ICISE

Theo ban tổ chức hội nghị, phân mảnh môi trường sống tự nhiên do sự phát triển của sản xuất và các nơi ẩn náu cho con người đã dẫn đến sự mất mát đa dạng sinh học và thay đổi chức năng, dịch vụ của hệ sinh thái. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đã dẫn đến thay đổi trong việc sử dụng đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước và hệ sinh thái.

Nước mặt và nước ngầm ở một số quốc gia châu Á đã bị ô nhiễm bởi cả chất hữu cơ và vô cơ. Ở các thành phố lớn và khu vực công nghiệp, không khí bị ô nhiễm bởi các hợp chất được phát thải từ các cơ sở công nghiệp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến môi trường ven biển ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Nhiều khu vực trong đồng bằng sông Cửu Long bị ô nhiễm muối biển do sự xâm nhập của nước biển và lượng nước, cát bị giảm do các nhà máy thủy điện. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến việc trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề nước, cát ở đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào hội nghị quốc tế- Ảnh 2.

Ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

ICISE

Ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, cho rằng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là những đe dọa không biên giới, được gọi là "vấn đề toàn cầu".

"Để bảo vệ hành tinh, chúng ta cần đổi mới, tăng cường nỗ lực để phát triển giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, hóa học, sinh học, công nghệ thông tin, y tế và nhiều lĩnh vực khác nữa", ông Olivier Brochet nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có. Điều này đã và đang gia tăng các thách thức đối với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.

Vấn đề nước, cát ở đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào hội nghị quốc tế- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành (bìa trái) trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị

ICISE

"Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên", Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về "Ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường" diễn ra từ ngày 4 - 7.3, gồm: 3 chương trình đào tạo ngắn; 8 phiên hội thảo xoay quanh các chủ đề khác nhau, với gần 50 bài tham luận của các nhà khoa học và quản lý trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhà khoa học trẻ.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra phiên đối thoại giữa Bộ TN-MT với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi thông tin về một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam và thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.