|
Mặc dù năm học mới đã qua gần 1 tháng nhưng công việc vận động học sinh (HS) ra lớp của giáo viên (GV) các xã miền núi, vùng cao ở tỉnh Ninh Thuận vẫn diễn ra thường xuyên. Lịch làm việc của GV bắt đầu từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày; nếu trước 18 giờ thì không gặp phụ huynh (PH) vì họ đang ở trên nương rẫy hoặc muộn đi thì họ đã tắt đèn đi ngủ.
Như thường lệ, ngay từ đầu năm học mới, các GV của Trường PTDTNT Thuận Bắc (H.Thuận Bắc) phải lặn lội đến các thôn Suối Giếng, Suối Đá, xã Công Hải, xã Phước Chiến, Phước Kháng… hoặc lên tận nương rẫy để “dụ” HS ra lớp. Theo Ban giám hiệu Trường PTDTNT Thuận Bắc, HS bỏ học hầu hết thường rơi vào những hộ gia đình đồng bào dân tộc Raglai, Chăm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân các em chưa ý thức được việc học; nhiều em nghỉ học đi làm thuê được cha mẹ ủng hộ. Trước khi tiếp xúc với gia đình, GV phải nắm rõ hoàn cảnh, phong tục tập quán của từng gia đình. Để vận động được một HS ra lớp, GV thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, thậm chí cùng lên nương rẫy bẻ bắp, làm cỏ cùng PH. Cô Nguyễn Thị Thế, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bùi Thị Xuân, xã Lợi Hải, H.Thuận Bắc, cho biết hiện tỉ lệ HS nghỉ học của trường vẫn còn cao. Ngoài công tác chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm còn “gánh” thêm công việc vận động PH đưa con em mình đến trường. Theo cô Thế, công việc vận động rất khó khăn, đôi khi giáo viên phải đem theo kẹo, bánh để “dụ” HS. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rất đáng buồn, do nhiều PH không muốn con em mình đến trường nên họ phản ứng ngược lại, đôi khi người đi vận động con em họ ra lớp còn bị la rầy.
Chúng tôi cùng các GV Trường TH Phước Thắng (xã Phước Thắng, H.Bác Ái) đến các gia đình thôn Ma Oai để vận động các em ra lớp ngay trong những ngày đầu tháng 9. Đây là thôn gần trường nhưng cũng là địa bàn khó vận động vì PH thường xuyên đi nương rẫy và dẫn con em họ đi cùng. Chỉ trong một buổi tối đến 5 gia đình ở thôn Ma Oai, chúng tôi nghe nhiều lời biện minh của HS, như: em không có áo mới, giày dép đẹp; thậm chí có em cho rằng mình cao nhất lớp rồi, đi học mắc cỡ lắm… Nhiều PH thì hứa ngày mai sẽ đưa con em họ đến trường, nhưng theo kinh nghiệm của các GV thì không phải PH nào cũng giữ được lời hứa mà phải lui tới nhiều lần. Đưa chúng tôi xem bảng thống kê số HS bỏ học trên địa bàn, bà Trần Thùy Vân, Trưởng phòng GD-ĐT H.Bác Ái giải thích, HS nghỉ học có rất nhiều lý do như lười học, nhận thức chưa đúng; hoàn cảnh gia đình khó khăn… Từ bài học của những năm học trước, hơn 2 tuần trước ngày tựu trường, Phòng GD-ĐT H.Bác Ái đã huy động GV, thanh niên tình nguyện đến từng nhà tuyên truyền vận động PH đưa con em đến trường và kêu gọi tài trợ hơn 30 ngàn tập vở để cấp phát cho HS trong ngày khai trường. Theo bà Vân, nhờ làm tốt công tác dân vận, sau gần 1 tháng nhập học, tỷ lệ học sinh ra lớp cấp THCS đạt trên 95%, học sinh tiểu học, mẫu giáo đến trường đạt gần 98%; riêng một số trường, học sinh ra lớp đạt 100%. Qua nhiều năm thực hiện chương trình vận động, tuyên truyền, hiện tỉ lệ HS đến trường khu vực miền núi, vùng cao trên địa bàn Ninh Thuận đã tăng cao.
Việc vận động, tuyên truyền của GV gặp nhiều khó khăn, đi lại rất vất vả nhưng từ nhiều năm nay chưa có phụ cấp cho GV phụ trách công việc này. Theo Sở GD-ĐT Ninh Thuận, nhiều lần Sở đã đề nghị giải quyết chế độ phụ cấp nhưng cơ chế không cho phép; ngành chỉ hỗ trợ mức khoán công tác phí hàng tháng cho GV ở khu vực này.
Thiện Nhân
>> Vận động học sinh trở lại lớp
>> Giúp học sinh vùng cao
>> Nhà bán trú cho học sinh vùng cao
>> Nhọc nhằn học sinh vùng cao
>> Bữa cơm của học sinh vùng cao
Bình luận (0)