Văn hóa đọc dần mai một, sinh viên không còn đam mê nghiên cứu khoa học?

13/02/2023 14:47 GMT+7

Nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên nhưng không ít bạn trẻ vẫn rụt rè, không dám bắt đầu thực hiện một đề tài vì nhiều lý do.

Không ngại thử sức sẽ thấy kết quả bất ngờ

Sinh viên ngần ngại nghiên cứu khoa học (NCKH) vì có nhiều mối lo ngại như chưa đủ năng lực, thời gian và sức lực.

Nuôi đam mê nghiên cứu nhưng chưa thể thực hiện, Vũ Thị Quỳnh Trang (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tâm sự: "Tôi lo ngại kiến thức của bản thân chưa thể đưa ra được những kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, tôi chưa thể tìm được những người bạn đồng hành, việc học ở trường cũng khá áp lực nên tôi chưa thể sắp xếp thời gian để thực hiện".

Cùng trăn trở với Trang, Nguyễn Đức Tài (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cảm thấy bản thân không đủ khả năng nghiên cứu và chưa đủ tự tin để thuyết trình trước đám đông.

Vì sao sinh viên e dè với nghiên cứu khoa học? - Ảnh 1.

Đức Tài (trái) trong một buổi thí nghiệm đo hệ số nhớt của chất lỏng bằng phương pháp Stokes

NVCC

Bỏ qua những quan ngại về năng lực bản thân, khi đã bén duyên với NCKH, một số sinh viên nhận thấy nhiều lợi ích từ quá trình nghiên cứu.

Bắt đầu thai nghén đề tài nghiên cứu cấp trường vào năm 1, Nguyễn Thanh Tường (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết từng rất đắn đo khi đăng ký đề tài.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc năng lực, cộng với sự động viên của thầy cô và bạn bè, đề tài "Khảo sát về những vấn đề khó khăn trong việc học tập tiếng Hán của sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM" đã được duyệt và Thanh Tường bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2.

Đối với Thanh Tường, NCKH giúp anh có tư duy sắc bén hơn với các vấn đề xã hội, có cách nhìn nhận mọi việc bao quát và logic hơn trong mọi việc. Ngoài ra, nam sinh viên cũng được rèn luyện kỹ năng viết luận, nghiên cứu nguồn tài liệu, phân tích dữ liệu.

Cũng từ mong muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề hiện hữu, Lý Nhật Anh (20 tuổi, sinh viên Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tham gia NCKH ở năm 4, với đề tài về đặc điểm của tình trạng hậu Covid-19. Với đề tài này, Nhật Anh đã đoạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Thử thách lớn nhất của nữ sinh viên này và cộng sự là việc xây dựng chatbot bằng AI (trí tuệ nhân tạo) để thu thập dữ liệu đảm bảo thuận lợi cho người tham gia khảo sát. Tuy nhiên, bằng sự tự tìm tòi tài liệu về AI, học cách sử dụng các công cụ cơ bản dưới sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công đề tài.

"NCKH giúp tôi tìm ra cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh; rèn luyện tư duy sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề và ứng dụng kiến thức vào thực tế", Nhật Anh chia sẻ.

Thanh Tường và Nhật Anh đồng tình rằng, sinh viên nếu có đủ đam mê nghiên cứu nhưng còn quan ngại về năng lực thì hãy tìm cho mình cộng sự phù hợp rồi đăng ký một đề tài thật gần gũi với trải nghiệm của bản thân. Bên cạnh đó, NCKH là con đường dài, đòi hỏi sinh viên học tập và cải thiện bản thân từ những điều nhỏ nhất.

Vì sao sinh viên e dè với nghiên cứu khoa học? - Ảnh 2.

Nhật Anh mong muốn tạo ra một hệ thống tự động hóa hỗ trợ cho việc ghi nhận các tình trạng hậu Covid-19

NVCC

Để nuôi đam mê nghiên cứu

Là người từng hướng dẫn nhiều sinh viên NCKH, tiến sĩ Trần Nguyễn Tường Oanh, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Hầu hết sinh viên đều gặp khó khăn trong việc nắm bắt quy trình xây dựng đề cương nghiên cứu và tìm tài liệu. Bên cạnh đó, văn hóa đọc đang dần mai một nên sinh viên không còn đam mê nghiên cứu".

Vì thế, sinh viên cần được giảng viên hướng dẫn kỹ năng tìm và đọc tài liệu, chủ động tiếp cận NCKH bằng cách tham gia các buổi sinh hoạt xây dựng đề cương NCKH, hội thảo.

Nếu không có hướng đi rõ ràng, sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái mông lung và chán nản. Tiến sĩ Tường Oanh nói thêm: "Tốt nhất là sinh viên nên tham gia NCKH vào thời điểm năm 1 hoặc năm 2. Sinh viên nên chủ động gặp giảng viên trao đổi về ý tưởng nghiên cứu".

"Tôi luôn ủng hộ và giúp đỡ sinh viên hết sức khi các em tham gia NCKH. Bởi lẽ NCKH không chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu, mà còn giúp sinh viên có tư duy khoa học, tăng khả năng giao tiếp khi có cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều người. Đây là điều cần thiết cho bất kỳ công việc nào trong tương lai", tiến sĩ Tường Oanh nói.

Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng nên thường xuyên tổ chức hội thảo và tọa đàm để tạo hứng thú nghiên cứu cho sinh viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.