Văn hóa giao thông - Kỳ 1: Muôn kiểu tài xế ‘nhờn luật’ khi lái xe

28/10/2022 09:55 GMT+7

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tài xế, người vi phạm giao thông hành xử thiếu văn minh, dùng lời lẽ khiếm nhã chửi bới người khác, thậm chí lăng mạ, chống người thi hành công vụ.

Đáng nói, nhiều vụ vi phạm giao thông chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vì hành xử thiếu văn hoá, xốc nổi, nhiều người đã phải trả giá đắt.

Chém công an vì... không bỏ qua lỗi vi phạm giao thông

Từng có thời gian theo chân lực lượng CSGT ghi nhận về thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, người đạp xe tập thể dục đi vào làn đường dành cho ô tô, chúng tôi ghi nhận nhiều tình huống tài xế say xỉn dọa bỏ xe, không chịu ký biên bản... Và không ít trường hợp mất kiểm soát cảm xúc, sử dụng lời lẽ thô tục lăng mạ, chửi bới lực lượng đang thi hành công vụ, thậm chí đập phá chốt kiểm tra.

Điển hình, vào tháng 9.2022, ông N.V.T. (47 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) điều khiển ô tô chạy ngược chiều trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), còn xưng là "Chánh thanh tra" và liên tục chửi thề, cự cãi, nhổ nước bọt vào tài xế đi đúng luật. Sau đó, ông N.V.T bị Công an Q.7 xử phạt 5 triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng về hành vi đi ngược chiều.

Người vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh, liều lĩnh tông CSGT

CẮT TỪ CLIP

Ngoài ra, những vụ người vi phạm giao thông dùng lời lẽ khiếm nhã chửi bới, thậm chí lăng mạ, chống người thi hành công vụ xảy ra thời gian qua cũng khiến nhiều người bức xúc.

Đáng chú ý là vụ án "chống người thi hành công vụ" do Lê Chí Thành gây ra vào tháng 3.2021; vụ án "chống người thi hành công vụ" do Phạm Lâm Duy, Nguyễn Thị Trúc Giang và Nguyễn Vĩnh Phú gây ra hồi tháng 5.2021 (cùng tại TP.HCM).

Người đạp xe tập thể dục đi vào làn đường dành cho ô tô, rồi khiêng xe qua dãy phân cách khi thấy CSGT

BÍCH NGÂN

Hoặc như một vụ việc Thanh Niên đã thông tin, ngày 17.10, Công an TP.Hải Dương (Hải Dương) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đăng Thắng (41 tuổi, trú Hải Dương) về tội “chống người thi hành công vụ”. Xuất phát từ nguyên nhân, bị can Thắng xin CSGT bỏ qua lỗi vi phạm giao thông cho con trai bất thành, Thắng lấy dao chém cán bộ công an bị thương phải đi cấp cứu....

Né đóng tiền phạt, người vi phạm gây hấn với CSGT, lực lượng làm nhiệm vụ

Ngày 24.10, thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết, từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM xảy ra 36 vụ chống người thi hành công vụ, lực lượng chức năng đã khống chế 43 nghi can. Tùy theo tính chất, mức độ, các nghi can có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. PC08 đã chuyển 13 vụ cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý theo thẩm quyền.

Theo thượng tá Đoàn Văn Quới: “Các đối tượng chống người thi hành công vụ có tính chất liều lĩnh, bất chấp hậu quả ngày càng tăng, diễn biến phức tạp”. Cụ thể, từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ giảm. Tuy nhiên, theo thống kê, cùng thời gian này, có 10 cán bộ chiến sĩ bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng khi làm nhiệm vụ.

Tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn yêu cầu CSGT cho xem chuyên đề mới thổi nồng độ cồn

BÍCH NGÂN

Hồi tháng 9.2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đàm Thị Mai (42 tuổi) về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Theo đó, bị can Mai chạy xe máy chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, đồng thời tỏ thái độ bất hợp tác và dùng dép đánh vào mặt một cán bộ công an.

Nói về nguyên nhân vì sao người vi phạm giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ, ông Quới chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu do người dân không chấp hành luật giao thông và muốn “né” tránh việc đóng phạt nên cố tình gây hấn, cản trở khi CSGT kiểm tra.

Ngoài ra, không ít trường hợp tài xế năn nỉ bỏ qua sai phạm bất thành liền bức xúc, dùng lời lẽ thô tục xúc phạm cán bộ chiến sĩ. Khi CSGT phản ứng lại sẽ tạo cơ hội cho người vi phạm kích động, tập trung người dân xung quanh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Hiện nay, một số người vi phạm giao thông do có định kiến với lực lượng CSGT nên cố tình không hợp tác, không nghe CSGT giải thích lỗi vi phạm. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.