Văn hóa giao thông - Kỳ 3: Làm gì để ngăn chặn 'côn đồ' đường phố?

30/10/2022 09:10 GMT+7

Theo các chuyên gia, tùy vào tính chất và mức độ mà các hành vi chửi bới, lăng mạ, đánh người tham gia giao thông, chống người thi hành công vụ của các 'côn đồ' đường phố đều có chế tài, xử phạt.

Vì sao người vi phạm giao thông dễ chống đối, lăng mạ người thi hành công vụ ?

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy cho biết, nguyên nhân mấu chốt dẫn đến việc người dân bộc phát hành vi cãi vả, chống đối người thi hành công vụ là do mất kiểm soát cảm xúc. Minh chứng dễ thấy nhất chính là khi bị CSGT gọi vào kiểm tra, xử phạt, người dân sẽ cảm thấy bực bội, nghĩ lỗi không đáng xử phạt hoặc đang có việc vội.

“Khi nóng giận, người dân dễ mất kiểm soát bản thân, đổ lỗi do cơ quan chức năng không công tâm và chống người thi hành công vụ, chứ người vi phạm không mong muốn bị phạt”, bà Thuý nói.

Theo bà Phạm Thị Thúy, những khó khăn, áp lực trong cuộc sống cộng với kẹt xe, khói bụi… cũng là nguyên nhân khiến con người trở nên căng thẳng và dễ bộc phát sự nóng giận, hành xử kém văn minh khi tham gia giao thông.

Tài xế say xỉn không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của CSGT

BÍCH NGÂN

Theo bà Thúy, việc CSGT hành xử thiếu tôn trọng, xử phạt không công tâm sẽ làm tăng mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan chức năng. Dù người dân có vi phạm luật giao thông, cán bộ cũng phải tôn trọng, chào hỏi, giới thiệu tên khi làm việc và xử phạt đúng người, đúng tội.

Mặt khác, hiện nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều video, hình ảnh thể hiện người dân “bắt” lỗi CSGT, được cho là “đòi lại công bằng”. Đáng nói, một số người dùng mạng xã hội tiếp nhận thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng tiếp tục chia sẻ, ủng hộ hành vi này và bắt chước để đối phó với CSGT gây ra những hậu quả khôn lường.

Để giữ môi trường giao thông lành mạnh, văn minh, người thi hành công vụ phải làm gương, không dung túng cho hành vi sai trái. Người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của CSGT, hành xử dựa trên quyền và nghĩa vụ của công dân trước pháp luật; không sử dụng bạo lực, lời lẽ thô tục xúc phạm người khác khi tham gia giao thông, bà Thúy chia sẻ.

Khuyến nghị lắp đặt camera giám sát

Trao đổi về ứng xử của người vi phạm giao thông với lực lượng thi hành công vụ, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM cho biết, theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính cao nhất là 8 triệu đồng. Đồng thời, người nào dùng lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ còn áp dụng biện pháp buộc xin lỗi công khai.

Cũng theo LS Hậu, việc bổ sung chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi người tham gia giao thông chửi bới, xúc phạm người tham gia giao thông là khó thực hiện, vì khi xảy ra sự việc không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có mặt để xử lý.

Để xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn, ông Hậu khuyến nghị lắp đặt camera giám sát phục vụ điều tiết giao thông, tăng hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

CSGT trích xuất hình ảnh, video để đối chiếu, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác, hạn chế tranh cãi

BÍCH NGÂN

Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), người dân đánh, đâm chém nhau do mâu thuẫn từ việc tham gia giao thông đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị truy cứu về tội “cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Nếu người dân đánh, lăng mạ, chửi bới, không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ có thể bị truy cứu về tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù đến 7 năm.

LS Tuấn cho biết thêm, từ cuối năm 2019 đến nay, CSGT đã được trang bị camera tuần tra khi làm nhiệm vụ. “Khi người dân cản trở, chửi bới, lăng mạ, xúc phạm, chống người thi hành công vụ… cơ quan chức năng sẽ trích xuất dữ liệu từ camera để làm chứng cứ, căn cứ xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”, LS Tuấn cho biết.

Theo LS Tuấn, tuy chưa có tiền lệ xử phạt trường hợp người tham gia giao thông xúc phạm, chửi bới người tham gia giao thông khác, nhưng pháp luật đã quy định rõ về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, “làm nhục người khác”. Vì vậy, người dân khi làm việc với CSGT và người tham gia giao thông khác nên hết sức bình tĩnh, tuân thủ pháp luật, tránh tối đa việc cự cãi dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.