Đưa lịch sử vào video clip

11/05/2016 08:00 GMT+7

Chưa từng chụp chung một bức hình, nhưng một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau làm nhiều video clip về lịch sử văn hóa để tặng trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

Nghiêm Hoài An (25 tuổi) đã phải thức đến 2 giờ sáng để hoàn thành video clip về hoa sen trên cổ vật. Những thông tin trên clip này do An cùng nhóm bạn gồm Ngô Ngọc Tú (24 tuổi), Lê Nguyễn Phương Anh (25 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (24 tuổi) tổng hợp. Do họ đều đang đi học hoặc đi làm nên “mọi bàn bạc đều vào lúc rất khuya và qua mạng là chính”, Hoài An cho biết. Nhóm này thậm chí còn chưa bao giờ có một kiểu ảnh chụp chung nào do ít gặp mặt nhau. Họ chỉ có chung tình yêu lịch sử, cố gắng muốn giúp đỡ Bảo tàng Lịch sử quốc gia lan truyền những kiến thức lịch sử liên quan đến hiện vật của bảo tàng.
Cổ vật hoa sen trong các video clip Ảnh: T.N chụp từ video clip
Linh vật, cổ vật, phong trào phản chiến...
Video clip về hoa sen trên cổ vật này sau khi hoàn thành đã được đưa vào sử dụng trong tọa đàm và việc học lịch sử ngoại khóa tại bảo tàng. Clip bắt đầu bằng những hình ảnh sen rất quen thuộc trong đời sống, nhưng sau đó là những hình ảnh ít ai được thấy: sen trên các cổ vật, bảo vật quý. Đó là những hình sen và cúc dây được vẽ trên đồ gốm men lục của thế kỷ 11, hay hoa sen trên gốm Cù Lao Chàm thế kỷ 15; bệ đá, chân tảng có hoa sen thời Lý. Ngoài ra còn có tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng. Sen không chỉ là sen, mà còn mang những ý nghĩa về sức mạnh Phật giáo, tư tưởng.
“Chính tôi cũng chưa hiểu rõ về hoa sen đến thế cho tới khi làm video clip này. Cảm giác rất xúc động”, Hoài An, hiện làm công việc có liên quan đến thiết kế, cho biết. Trong hầu hết các clip hỗ trợ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, An chịu trách nhiệm về kỹ thuật dựng. Riêng trong video clip hoa sen, An còn kiêm luôn cả việc đọc lời bình.
Nếu như An “chuyên dựng” thì Phương Anh lại “chuyên viết”. Dựa trên những thông tin lịch sử văn hóa mà Thanh Tùng, Ngọc Tú sưu tập và viết, Phương Anh sửa lại, trau chuốt thành lời bình. Cùng lứa tuổi với Hoài An, Phương Anh đang là nhân viên marketing của một công ty tại Hà Nội.
Chính vì bận bịu như vậy, nên việc làm các video clip thường thay đổi nhân sự liên tục. Phương Anh làm 2 clip liên quan đến linh vật Việt và cổ vật Việt có hoa sen. Hoài An làm nhiều nhất. Không trực tiếp làm, nhưng Trần Tuấn Nam, Phó chủ tịch CLB tình nguyện của bảo tàng, thì hỗ trợ thông tin. Ngoài ra còn có tình nguyện viên Phan Thị Thanh Hằng. Sau 2 năm nhóm đã cho ra đời nhiều video clip về linh vật Việt, về cổ vật hoa sen, về phong trào phản đối chiến tranh VN, về di sản văn hóa Phật giáo… “Tôi yêu lịch sử, nhưng khi học đại học lại học ngành khác. Vì thế giờ đây tôi cùng làm các video clip về lịch sử với bảo tàng”, Phan Thị Thanh Hằng nói.
Hoài An - người thực hiện nhiều video clip cho bảo tàng Ảnh: NVCC
Đưa lịch sử trở thành thân quen
Chị Nguyễn Thị Hữu, Phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết bảo tàng luôn có những chương trình được thiết kế để thu hút người trẻ. Hai CLB được song song duy trì là Tình nguyện viên và Em yêu lịch sử. Nếu như CLB Em yêu lịch sử dành cho các bạn học sinh phổ thông thì CLB Tình nguyện viên dành cho sinh viên. “Chúng tôi thiết kế các chương trình giờ học lịch sử theo yêu cầu ngoại khóa của họ, gồm tham quan bảo tàng miễn phí, thảo luận theo chủ đề và tranh biện. Tranh biện được tổ chức thưa hơn, còn thảo luận hầu như tháng nào cũng có”, chị Hữu cho biết.
Theo chị Hữu, việc làm video clip hay tổ chức tọa đàm, thảo luận tuy nhiều nhưng đều có nét chung là giúp lịch sử trở nên thân quen, gần gũi và đặc biệt là nảy sinh ra những ý kiến mới. “Chúng tôi tạo điều kiện cho các bạn được nghe, nói chuyện về lịch sử một cách cởi mở với những đề tài không giống sách giáo khoa. Nhóm làm video clip cũng giúp chúng tôi lan tỏa câu chuyện lịch sử. Chẳng hạn, họ giúp chúng tôi lên kế hoạch trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn người xem”, chị Hữu nói.
Về nội dung của các video clip này, theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đều được Phòng Giáo dục và Phòng Truyền thông của bảo tàng xem xét để không có bất cứ sai sót nào về mặt lịch sử. Ông đánh giá chúng có nội dung rất mềm mại, logic, dễ tiếp thu. Việc các tình nguyện viên làm video clip lịch sử đã giúp bảo tàng đưa kiến thức lịch sử tới người xem dễ dàng hơn, nhất là những người chưa có điều kiện đến tận nơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.